Sắt thép, xi măng vẫn được… bao cấp
Giá như vì lý do gì đó mà các doanh nghiệp sắt thép, xi măng phải ngừng hoạt động thì e rằng ngành công nghiệp sẽ… đột quỵ.
Sự tồn tại và phát triển của ngành sản xuất sắt thép, xi măng là đòi hỏi mang tính tất yếu, kể cả hiện thời cũng như trong tương lai. Việt Nam đã bước vào "sân chơi” kinh tế thị trường cách đây hàng chục năm, thế nhưng cho đến nay vẫn đang tồn tại tình trạng bất hợp lý: các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, xi măng vẫn cứ được… bao cấp. Địa bàn nông thôn còn nhiều đối tượng nghèo (hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo, thậm chí cả tỉnh còn nghèo) nhưng mọi bao cấp như trước đây đều bị xóa bỏ hết. Đành rằng một bộ phận người dân được hỗ trợ điều kiện để thoát nghèo nhưng đó không phải là bao cấp. Trong khi đó ngành xi măng, sắt thép thì ngược lại, mỗi năm được hưởng "chế độ” bao cấp với khoản tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Giá thành sản xuất điện 2010 được Bộ Công thương công bố ở mức 1.180 đồng/KWh. Theo cơ chế thị trường, giá điện bán ra trên thị trường không được thấp hơn giá thành sản xuất. Ấy thế mà, với hai "đại gia” xi măng và sắt thép, giá mua điện chỉ phải trả ở mức 914 đồng/KWh. Mỗi KWh điện, 2 ngành này được bao cấp gần 300 đồng. Tổng sản lượng sử dụng điện 2010 của 2 ngành này lên đến 982 triệu KWh, khoản tiền được bao cấp tính ra 2.547 tỷ đồng. Năm 2011 chưa đưa ra con số cụ thể nhưng khoản bao cấp này chắc chắn không phải là nhỏ. Hệ thống doanh nghiệp sản xuất sắt thép, xi măng bao gồm nhiều thành phần: doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp FDI… Chỉ tính riêng trong năm 2010, doanh nghiệp FDI sản xuất thép được bao cấp giá điện với khoản tiền hơn 500 tỷ đồng. Doanh nghiệp FDI được coi là nhà giàu, họ lại giàu hơn nhờ được bao cấp giá điện. Phải chăng vì thế mà gần đây Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) đưa ra kiến nghị rất đáng lưu ý: năng lượng tại Việt Nam còn tương đối rẻ so với thế giới và khu vực, giá điện nên tăng đến mức bền vững.
Chưa hết, để "chữa cháy” tình trạng thiếu điện, Việt Nam đã phải mua điện của Trung Quốc, giá giao động trong khoảng 1.400 đồng/KWh vậy mà khi bán cho doanh nghiệp sản xuất xi măng chỉ tính ở mức dưới 1.000 đồng/KWh. Tương tự như vậy, mỗi tấn than xuất khẩu có mức giá gần 3 triệu đồng. Trong khi đó, cùng thời điểm và cùng phẩm cấp, than bán cho doanh nghiệp sản xuất xi măng chỉ ở mức trên 1,5 triệu đồng/tấn. Đến thời điểm hiện nay, sản xuất xi măng, sắt thép đều ở trong tình trạng cung vượt cầu. Dự án sản xuất xi măng tràn lan, gây ra nhiều hệ lụy: làm nghèo kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mất cân đối năng lượng (kể cả điện và than)… Không ít nhà đầu tư tìm đến Việt Nam làm nơi sản xuất sắt thép bởi họ thu được lợi ích kép: tránh ô nhiễm môi trường cho đất nước họ, ngoài ra còn được dùng điện với giá rẻ bất ngờ. Tình trạng này nếu còn kéo dài, không chỉ làm méo mó cơ chế thị trường mà còn gây ra thâm hụt ngân sách của Nhà nước?