“Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”
Đó là lời chia sẻ của ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) với các DN SXKD VLXD xoay quanh những vấn đề phát triển ngành VLXD trong nước trong cuộc trao đổi cùng phóng viên BĐS&VLXD.
Xin ông cho biết, trong năm 2011, những khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng như thế nào tới ngành sản xuất VLXD?
- Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, chúng ta đang áp dụng các giải pháp chống lạm phát, thắt chặt tín dụng, tiết giảm đầu tư công… do đó đã giảm tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng. Chính vì vậy mà nhu cầu về VLXD cũng bị giảm. Nhìn chung, hiện nay các lĩnh vực sản xuất VLXD đều nằm trong tình trạng cung vượt cầu. Việc tiêu thụ sản phẩm VLXD gặp nhiều khó khăn, mức độ cạnh tranh trên thị trường càng cao. Riêng xi măng lượng tồn cuối năm so với đầu năm bị tăng lên 1,5 triệu tấn.
Thêm đó, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, điện và nhân công đều tăng cao, đặc biệt là năng lượng như than tăng 41%, xăng dầu tăng khoảng hơn 40%, điện tăng 15,28%... Cùng với chi phí tài chính bao gồm lãi suất ngân hàng và tỷ giá quy đổi ngoại tệ tăng… Tất cả đã dẫn đến giá thành sản phẩm VLXD bị đẩy lên cao. Trong khi thị trường cung vượt cầu khó chấp nhận giá bán sản phẩm, nếu tính đủ. Điều đó có nghĩa là nhà sản xuất phải giảm lợi nhuận, hoặc phải kéo dài thời gian khấu hao so với dự kiến. Các DN sản xuất vật liệu thường phải có sự đầu tư lớn, đặc biệt là sản xuất xi măng. Vì thế, đối với những DN đầu tư sớm, đã có thời gian khấu hao và trả nợ tốt thì còn đỡ, còn những DN đầu tư muộn, đang trong giai đoạn phải trả nợ lớn thì năm vừa qua cũng gặp nhiều khó khăn.
Một trong những khó khăn khách quan nữa là tình hình tiêu thụ xi măng nói riêng và VLXD nói chung trong nước chậm do ảnh hưởng thời tiết mưa bão nhiều, đặc biệt là khu vực miền Trung. Tình trạng nhập lậu VLXD vẫn chưa được chấm dứt cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường và DN sản xuất VLXD trong nước.
Phải đối mặt với những khó khăn như vậy, ngành VLXD đã phải vượt qua giai đoạn này như thế nào, thưa ông?
- Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, nhiều DN sản xuất tiêu thụ VLXD đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả SXKD, năng lực điều hành, quản trị DN, trong đó, tập trung rà soát, giảm tối đa các chi phí sản xuất, quản lý, chi phí bán hàng, tăng cường thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... Vì vậy phần lớn các DN sản xuất VLXD vẫn “cầm cự” được.
Trong lĩnh vực xi măng: Năm 2011 tiêu thụ nội địa xấp xỉ 50 triệu tấn (tuy có giảm 1 triệu tấn so với năm 2010), nhưng đã giảm nhập khẩu clinker từ 2 triệu tấn năm 2010 xuống còn 1,2 triệu tấn năm 2011. Các DN đã đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường ở nước ngoài, hợp lý hoá trong khâu vận chuyển, khắc phục những hạn chế về hạ tầng bốc xếp hay loristic để tăng cường xuất khẩu sản phẩm xi măng. Nhờ vậy, năm 2011 cả Ngành đã xuất khẩu được trên 5,5 triệu tấn sản phẩm xi măng (chủ yếu là clinker). Đến cuối năm 2011, tổng công suất các dây chuyền của cả nước là 65,5 triệu tấn. Như vậy công suất hiện có đã được khai thác tới 86%. Trong điều kiện khó khăn như năm 2011, thì con số đó cũng là một cố gắng lớn của toàn Ngành.
Nhiều đơn vị sản xuất vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, vật liệu trang trí nội ngoại thất khác lại tập trung chuyển mạnh sang SXKD các sản phẩm có giá trị cao, phát triển sản phẩm mới, ưu tiên các sản phẩm tiêu hao ít nguyên nhiên liệu, thân thiện môi trường, khả năng thu hồi vốn nhanh có hiệu quả.
Công tác thị trường của các DN cũng có bước phát triển mới; đã sử dụng công nghệ thông tin bán hàng qua mạng; nhiều trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm đã được củng cố và phát huy hiệu quả. Những hoạt động nhằm giới thiệu sản phẩm như triển lãm xây dựng Vietbuild tổ chức 6 cuộc năm 2011 tại 4 TP lớn trong cả nuớc đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và DN. Việc xúc tiến thị trường tại nước ngoài cũng được tăng cường… Bộ Xây dựng đã kết hợp với các hội, hiệp hội nghề nghiệp nghiên cứu, thông tin, thông báo tình hình cung cầu, giá cả kể cả giá cả chủng loại vật liệu tại thị trường các nước trong khu vực, nhằm giúp DN kịp thời điều chỉnh kế hoạch và chiến lược đầu tư cũng như đã đẩy mạnh công tác xuất khẩu.
Đẩy nhanh thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020, toàn xã hội đã có bước chuyển biến tích cực. Chương trình phát triển VLXKN đã được phổ biến rộng rãi và được các cấp, các ngành, đặc biệt là các DN sản xuất VLXD hưởng ứng. Lãnh đạo các cấp chính quyền, DN và người dân bước đầu đã làm quen với VLXKN; nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường trong sản xuất và sử dụng vật liệu xây. Bộ Xây dựng đã tiến hành soát xét và xây dựng mới tiêu chuẩn cho các loại sản phẩm VLXKN, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật thi công và nghiệm thu cho khối xây sử dụng VLXKN nhẹ; xây dựng định mức kinh tế cho khối xây sử dụng VLXKN... Tuy nhiên, trong khi các chủng loại vật liệu truyền thống khác đang khó tiêu thụ trong điều kiện hiện nay, thì việc tiêu thụ VLXKN cũng không dễ dàng gì.
Vậy, đâu sẽ là thách thức và cơ hội cho ngành VLXD vào năm 2012, thưa ông?
- Năm 2012 tình hình kinh tế thế giới và các nước trong khu vực vẫn chưa có dấu hiệu thoát khỏi suy thoái, có ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của nước ta. Nhà nước vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, do đó việc tăng trưởng cũng khó khăn. Các DN ngành Xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các DN sản xuất VLXD. Để tồn tại, các DN sản xuất VLXD đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn rồi.
Nhưng tôi nghĩ năm 2012 cũng cho ngành VLXD nhiều cơ hội. Năm 2012 chúng ta vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6 - 6,5%. Sự tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn có sự tăng trưởng về nhu cầu xây dựng.
Khó khăn trong giai đoạn cuối năm 2010 và năm 2011 đã như một liều thuốc thử cho các DN sản xuất VLXD. Nếu như ai cho rằng đầu tư và SXKD như là một cuộc chơi nhẹ nhàng, kinh doanh kiểu ăn xổi ở thì, thì rất khó tồn tại. Còn những DN có chiến lược phát triển bền vững, đã chú tâm đến việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh về mọi mặt, thích ứng được với cơ chế thị trường thì DN đó vẫn phát triển.
Lúc khó khăn này cũng là cơ hội để các DN phải ứng dụng những thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ trong sản xuất và quản lý, phải đổi mới mô hình tổ chức và phương pháp quản trị DN phù hợp với sự thay đổi công nghệ sản xuất và sự phát triển của thị trường nhằm tăng sức cạnh tranh của DN.
Lúc này cũng là cơ hội cho những việc nhằm nâng cao hiệu quả SXKD của DN mà không cần đến nguồn tài chính bổ sung, nhưng cần phải có tư duy mới. Ví dụ như việc sáp nhập, giải thể, mua bán, hoặc liên kết các DN cùng dòng sản phẩm. Trong Quyết định 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, tại Khoản 1, Điều 1 đã định hướng: “Khuyến khích hình thành các tổ hợp sản xuất xi măng lớn từ các dự án hiện có bằng các hình thức phù hợp”.
Trong những năm qua sản phẩm VLXD của ta cũng đã có mặt tại thị trường của gần 100 nước. Các nước đã biết đến sản phẩm của ta và các DN của ta ít nhiều đã có kinh nghiệm và bài học quý cho việc xuất khẩu sản phẩm. Xúc tiến thương mại tại nước ngoài, sản xuất VLXD có thế mạnh của ta như vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng… phù hợp với yêu cầu thị trường các nước sẽ tăng cơ hội xuất khẩu. Ngay trong lĩnh vực xi măng, việc tăng sản lượng xuất khẩu sản phẩm trong lúc này cũng có ý nghĩa rất lớn. Nó làm giảm áp lực về cung tại thị trường trong nước, giúp các DN duy trì được sản xuất, có được dòng tiền về để giải quyết việc trả nợ, khấu hao thiết bị… Mỗi một lượng ngoại tệ được chuyển về đều có ý nghĩa trong việc chống nhập siêu.
DN cần phải lường đến tình huống xấu nhất, nhưng cũng cần hy vọng đến những điều tốt đẹp nhất cho năm 2012.
Xin cảm ơn ông!
“Đối với Quản lý nhà nước về phát triển VLXD thì sẽ tiếp tục triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ; các địa phương tiếp tục rà soát, nghiên cứu lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển VLXD trên địa bàn cho phù hợp với các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về quản lý VLXD, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD, nắm bắt các thông tin về tình hình phát triển VLXD. Ngày 29/8/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1488/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Ngày 10/1/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 45/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020”, ông Tới cho biết. |