Thị trường thép năm 2012: Có hồi phục?

Điểm mặt thị trường
Đầu năm 2011, thị trường thép chứng kiến đợt “dậy sóng” đầu tiên. Chỉ chưa đầy 3 tháng đầu năm, giá thép đã leo thang tới 4 - 5 lần với tổng mức tăng khoảng 2 triệu đ/tấn. Trong khi trước đó, từ cuối tháng 12/2010, các DN thép chỉ mới tăng giá khoảng 300 nghìn đ/tấn, nhưng bước sang tháng 2 và đầu tháng 3/2011, giá thép bắt đầu "phi mã" với mức tăng mỗi đợt khoảng 400 - 600 nghìn đ/tấn (có DN tăng tới 800 nghìn đ/tấn). Tại thời điểm giữa tháng 3, giá thép đứng ở mức 18 triệu đ/tấn chưa có thuế giá trị gia tăng (VAT). Tuy nhiên, vào thời điểm này, thị trường lại ghi nhận những diễn biến trái chiều. Cuối tháng 3, giá thép đã bắt đầu giảm nhẹ. Khi sức mua bắt đầu giảm, các đại lý lại hạ giá để “xả hàng” nhằm cắt lỗ. Thế nên, tại một số đại lý, giá thép lại thấp hơn tại nhà máy.
vật liệu
Năm 2011 được coi là một năm thị trường khá ổn định, gần như không có sốt giá.
Đến quý II, ngành thép lại đứng trước một thực tế vô cùng khó khăn bởi sức tiêu thụ trên thị trường đã giảm mạnh. Trong khi đó, nguồn cung vẫn tiếp tục dư thừa, đó là chưa kể một số nhà máy thép mới vẫn tiếp tục khởi công. Hàng loạt nhà máy đã phải cắt giảm công suất tới 50%, thậm chí có DN phải ngừng sản xuất.
Sau một thời gian thị trường ế ẩm, khoảng tháng 9, thị trường lại chứng kiến một đợt tăng giá khá “dè dặt”. Đó là bởi suốt một thời gian dài thị trường ế ẩm, để tồn tại được, DN đã phải bán dưới giá thành. Nếu không tăng giá, rất có thể nhiều DN thép sẽ phá sản. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ tháng 8 đến nay, tiêu thụ thép cũng đã bắt đầu khởi sắc. Đáng chú ý, những tháng cuối năm là mùa xây dựng được kỳ vọng nhất thì tiêu thụ thép lại không tăng. Cụ thể tháng 9 tiêu thụ chỉ đạt 381 nghìn tấn, tháng 10 đạt 326 nghìn tấn, tháng 11 và 12 cũng chỉ ở mức 405 nghìn đ/tấn. Trong khi đó, giá thép vẫn tiếp tục ổn định ở mức thấp, có lợi cho người tiêu dùng và phần lỗ thuộc về DN sản xuất.
Dù sao thì cũng phải ghi nhận năm 2011 được coi là một năm thị trường khá ổn định, gần như không có sốt giá.
Thị trường có hồi phục?
Theo nhận định của các chuyên gia và của DN sản xuất thì năm 2011 được coi là một năm cực kỳ khó khăn của ngành thép. Không như ở cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, năm 2011 DN còn phải đối mặt với những khó khăn từ lạm phát, lãi suất và tỷ giá. Ở các nước phát triển, vốn đầu tư dây chuyền sản xuất trước tiên phải từ chính DN, sau đến thị trường chứng khoán, và cuối cùng mới là đi vay. Nhưng ở nước ta, phần vốn lại chủ yếu dựa vào ngân hàng. Có DN phải vay tới 80% vốn ngân hàng để làm nhà máy. Vì thế, khi khủng hoảng kinh tế, DN liền lúc phải chịu hai tác động: Lãi suất và biến động tỷ giá.
Vật liệu
Năm 2012, tái cơ cấu ngành thép không phải là quá sớm.
Trong khi đó, thị trường bị thu hẹp. Mà thị trường bị thu hẹp, trong khi cung đã gấp đôi cầu thì giá đã ở dưới giá thành vẫn không tiêu thụ được. Thế nên mới có con số tồn kho lớn nhất từ trước đến nay (hơn 500 nghìn tấn). Cùng với đó, hàng loạt DN phải cắt giảm sản xuất. Ngay cả các “ông lớn” trong ngành thép như VnSteel, Hòa Phát… cũng chỉ chạy có 80% công suất. Còn không ít DN nhỏ, có công nghệ lạc hậu đang đứng bên bờ vực phá sản.
Năm 2012 liệu thị trường có sáng sủa hơn khi chính sách cắt giảm đầu tư công vẫn còn triển khai và chính sách tín dụng vẫn còn thắt chặt trong khi thị trường BĐS chưa khởi sắc? Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo năm 2012 khả năng hồi phục của thị trường vẫn còn là “khe cửa hẹp”. Đồng quan điểm này, ông Trần Tuấn Dương - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát thẳng thắn nhìn nhận: “Ngành thép phải xác định được mình đang đứng ở đâu thì mới có thể đưa ra những giải pháp hồi phục thị trường. Chính sách cắt giảm đầu tư công có thể sẽ duy trì trong vài năm nữa. Thị trường BĐS vẫn đang có diễn biến xấu do trước đó đã tăng trưởng quá cao. Ít nhất là 2 năm, thậm chí 5 năm nữa thị trường mới có thể phục hồi được”. Điều đó cũng đồng nghĩa với thị trường thép vẫn bị bó hẹp.
Dù vậy, một năm “gập ghềnh” của ngành thép đã qua đi. Quy luật đào thải của thị trường với lĩnh vực thép vẫn rất khốc liệt. Có lẽ đã đến lúc cần phải xem lại quy mô, công nghệ và tầm vóc của ngành thép của nước ta hiện nay. Hay nói khác, thị trường sẽ tự đào thải những DN có công nghệ lạc hậu, sản phẩm kém cạnh tranh.
Nhiều ý kiến đã cho rằng, năm 2012, tái cơ cấu ngành thép không phải là quá sớm.
 
(Theo BaoXayDung.com)