Xóa lò gạch thủ công: Cần chú trọng giải quyết việc làm
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến cuối năm 2013, lò gạch thủ công ở các huyện đồng bằng chấm dứt hoạt động. Tuy thông tin này không mới nhưng hàng ngàn lao động ở các lò gạch lo lắng sẽ thất nghiệp. Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động trước hay xóa lò gạch trước là điều mà tỉnh và ngành chức năng cần giải quyết rốt ráo.
Lo mất việc làm
Cơn mưa đầu tháng 10 vừa ngớt, hàng chục lò gạch thủ công ở ven sông Vệ, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), Mộ Đức, TP. Quảng Ngãi vào vụ sản xuất mới. Những người lao động tiếp tục công việc nhào đất, cắt viên, phơi, chuyển gạch lên lò... "Tranh thủ làm kiếm ít tiền để chi tiêu. Mùa mưa bắt đầu rồi. Nghe cuối năm nay, lò ngưng hoạt động mình lo lắm!" - Chị Lê Thị Vậy ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) làm công ở lò gạch của chị Dương Thị Yến phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi), cho biết. Chị Vậy làm ở lò gạch thủ công này hơn 10 năm nay. Việc nặng nhọc, nhưng nhờ công việc này mà chị có tiền để nuôi 2 con ăn học. Giờ, nghe lò ngưng hoạt động chị lo âu vô cùng.
Đa số lao động ở các lò gạch thủ công thuộc đối tượng nghèo cần được hỗ trợ việc làm.
Ở lò gạch thủ công của chị Yến có 8 lao động rơi vào hoàn cảnh tương tự như chị Vậy. "Mình có ngại công việc nặng nhọc đâu, nhưng bây giờ cuộc sống khó khăn, nhà cửa, công trình đường, trường, trạm có khởi công bao nhiêu đâu mà phụ hồ. Còn mua bán ve chai thì bấp bênh lắm, nên lò gạch mà ngưng hoạt động thì cũng chưa biết làm gì để mưu sinh" - chị Hiền làm ở lò gạch thủ công của ông Lê Văn Hồng cạnh bên lò chị Yến bộc bạch. Theo ông Hồng, chị Hiền thuộc gia đình nghèo, lại neo đơn, tiền học hành cho con thường ngày vẫn lo chưa đủ. Giờ nghe lò sắp đóng cửa thì rất lo lắng.
Chị Dương Thị Yến chủ lò gạch tâm sự: "Đâu phải chỉ bà con lao động, mà tôi cũng lo. Lâu nay cũng thường lên mạng tìm hiểu thông tin chuyển đổi ngành nghề, để mình có việc làm mà cũng giải quyết được công ăn việc làm cho bà con đã gắn bó với mình nhiều năm. Nhưng ngành nghề khác thì không quen, mà chuyển sang gạch không nung thì vốn lớn, thị trường tiêu thụ không đảm bảo". Đó cũng là nỗi lo lắng của hàng trăm chủ lò và hàng ngàn lao động ở các lò gạch trong tỉnh khi nghe tin hạn chót xóa bỏ lò gạch thủ công vào cuối năm 2013.
Chưa chủ động chuyển nghề
Quảng Ngãi hiện có 270 lò gạch thủ công, với 2.430 lao động. Số lò gạch thủ công tập trung chủ yếu ở các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Sơn Tịnh và TP. Quảng Ngãi. Các lò gạch thủ công không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, làm ảnh hưởng đến môi trường...
Theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công vào cuối năm nay để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn đất đang khan hiếm và chất lượng gạch không cao. Tuy vậy, việc chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công điều trước tiên là hàng ngàn lao động sẽ mất việc làm. Số lao động này tập trung nhiều nhất là huyện Tư Nghĩa với 117 lò/1.110 lao động. Bà Nguyễn Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: "Đến thời điểm này các chủ lò gạch đều có chung câu than phiền: "Vẫn chưa biết làm gì, sau khi rời bỏ lò gạch". Huyện cũng "bí" trong việc tạo việc làm mới cho số lao động bị thất nghiệp sắp đến.
Chuyện chấm dứt hoạt động của lò gạch thủ công đã được thông báo từ năm 2010. Ba năm qua là khoảng thời gian, là lộ trình để các địa phương chuẩn bị và UBND tỉnh chính thức ra quyết định. Trước đó, UBND tỉnh đã có quyết định về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Theo quyết định này, giai đoạn từ 2011 - 2015 bình quân mỗi năm sẽ đào tạo khoảng 14.000 lao động. Số lao động ở các lò gạch đa số là hộ cận nghèo và hộ nghèo nằm trong đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề. Thế nhưng, đến nay chính quyền địa phương chưa có phương án cụ thể để chuyển đổi nghề nghiệp cho số lao động này.
Theo Quyết định số 222 của UBND tỉnh, sau khi chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công thì các sở, ban, ngành cùng nhau "gỡ" nỗi lo cho người lao động. Cụ thể là Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT, các cơ quan liên quan và nơi có lò gạch thủ công xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân. Trong đó, có tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề mới cho người lao động đang làm việc tại các lò gạch, ngói thủ công; hướng dẫn chính sách hỗ trợ học nghề... Do vậy, ngành chức năng và các địa phương cần nhanh chóng triển khai thực hiện quyết định của UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho người lao động khi các lò gạch thủ công chấm dứt hoạt động vào cuối năm nay.
Báo Quảng Ngãi