Quảng Ngãi: Lò gạch thủ công vẫn nhả khói

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT - TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung, năm 2013 phải chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công và đến năm 2015 chấm dứt hoạt động của lò gạch liên tục kiểu đứng, UBND tỉnh Quảng Ngãi gia hạn lần cuối cùng cho các lò gạch thủ công và thủ công cải tiến phải chấm dứt hoạt động trước tháng 6/2013. Thế nhưng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhiều lò gạch thủ công gần khu dân cư và ruộng lúa vẫn đang ngày đêm nhả khói, gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều lò gạch thủ công vẫn hoạt động

Nhiều lò gạch thủ công vẫn hoạt động

Gian nan xóa lò gạch thủ công

Đã hết thời điểm gia hạn lần cuối vào tháng 6/2013, nhưng hiện nay các lò gạch thủ công ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi vẫn hoạt động. Dọc ven sông Vệ thuộc thị trấn Sông Vệ, từ xa đã thấy khói bay lên từ hàng chục lò gạch thủ công. Dạo quanh mỗi lò gạch, đều thấy chung một hình ảnh là người người vẫn đóng gạch, chuyển gạch vào lò nung, khói lò bay mịt mù. Chị Nguyễn Thị Hà, người dân cho biết: Suốt 20 năm qua, gần 1.523 hộ dân ở xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hầu hết cây cối, hoa màu của người dân trong vùng đều bị táp đầu và cháy lá do khói từ lò gạch. Điều đáng nói là các lò gạch này nằm gần khu dân cư, trường học nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Cũng chung tình cảnh, người dân xã Nghĩa Dõng, TP. Quảng Ngãi rất bức xúc vì cụm lò gạch thủ công (khoảng 9 lò) ở khu vực Gò Găng, đội 7 thôn 4 vẫn liên tục hoạt động. Giữa cái nắng oi ả, lò gạch thủ công của 5 hộ gia đình (đa phần cư trú ở xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa) vẫn đỏ rực lửa, khói trắng bốc lên mù mịt phủ kín một góc cánh đồng. Thời tiết nóng nực lại thêm những luồng khí than bốc lên từ các lò gạch thủ công càng khiến cho không khí ở đây trở nên ngột ngạt hơn. Trực tiếp có mặt tại khu vực các lò gạch thủ công đang hoạt động mới thấy hết mức độ ô nhiễm nặng mà hàng chục hộ dân phải hằng ngày hứng chịu.

Theo phản ánh của người dân, khói lò gạch không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp mà nó còn gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe của bà con nơi đây. Chị Đồng Thị Phượng- một hộ sống ở khu vực gần lò gạch lại được tận mắt thấy cảnh cây cối vườn nhà xơ xác, cháy nám lá vì phải sống chung với làn khói độc hại. Cứ mỗi khi đốt lò là cả gia đình chị, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều ho sặc sụa, hơn chục năm nay cả gia đình chị đã chung sống với khói bụi từ các lò gạch này.

Không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, khói bụi từ các lò gạch còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng lúa các xứ đồng ở khu vực Gò Găng như Cây Cày, Ổ Gà.... Lúa đang lên xanh tốt nhưng nếu lò gạch hoạt động, khói lò gạch sẽ làm cả đám ruộng vàng úa, héo quắt. Nhiều năm liền, vụ nào ông Nguyễn Thanh Trí ở thôn 4, xã Nghĩa Dõng cùng hàng chục người có ruộng ở khu vực Gò Găng phải viết đơn gởi đến chính quyền đề nghị bồi thường nhưng số tiền đền bù chẳng đáng là bao. “Khói than đá từ các lò gạch này làm lúa nhà tôi và nhiều hộ khác bị lép hạt hoặc cháy nám. Cây ăn trái trong vườn của những nhà lân cận cũng bị ảnh hưởng, khô héo và không đậu trái. Nếu để lò gạch thì ảnh hưởng đến năng suất lúa, sức khỏe con người rất nghiêm trọng. Do đó, cần phải chấm dứt hoạt động các lò gạch này” – Ông Trí bức xúc.


Lò gạch thủ công ở xã Nghĩa Dõng, TP. Quảng Ngãi vẫn ngày đêm nhả khói
Lò gạch thủ công ở xã Nghĩa Dõng, TP. Quảng Ngãi vẫn ngày đêm nhả khói


Cần giải pháp căn cơ

Mặc dù gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, nhưng nhiều năm qua, nghề làm gạch thủ công đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình ở Quảng Ngãi và góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Năm 2012, khi thành phố có chủ trương chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công theo Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND xã Nghĩa Dõng đã triển khai đến các hộ dân và yêu cầu các chủ lò gạch thủ công ký cam kết chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, do còn vướng mắc về vấn đề thuê đất nên đến nay, các lò gạch này vẫn đêm ngày hoạt động và chưa được dẹp bỏ. Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Ý-Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dõng cho biết: “Khi có sự chỉ đạo của cấp trên, địa phương đã mời 5 chủ lò gạch về làm việc, quán triệt về tác hại của lò gạch đối với môi trường và sức khỏe con người; đồng thời vận động chuyển đổi sang ngành nghề khác. Tuy nhiên, hợp đồng cho thuê đất giữa xã với các chủ lò gạch vẫn chưa hết thời hạn nên cuối năm 2013 này mới có thể thu hồi lại diện tích đất đã cho thuê. Xã cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất gạch thu công này đến cuối năm 2013 không được tiếp tục nhập nguyên liệu về sản xuất và phải chuyển đổi sang ngành nghề khác”.

Theo thống kê của Phòng kinh tế hạ tầng huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi), toàn huyện có 117 lò gạch thủ công tập trung ở các xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Phương, Nghĩa Hà. Mỗi năm sản xuất trên 45,7 triệu viên gạch, tạo công ăn việc làm cho 1.170 lao động. Nếu thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg mà không có biện pháp chuyển đổi nghề nghiệp hoặc giúp đỡ để xây dựng lò gạch tuynel thì hàng trăm lao động làm gạch thủ công và cả chủ lò gạch sẽ không có việc làm. Ông Nguyễn Xuân Hùng, ở thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hòa là một trong 2 chủ lò gạch liên tục kiểu đứng ở huyện Tư Nghĩa, cho biết: "Xây dựng lò gạch này, tuy được Chương trình khuyến công của tỉnh hỗ trợ, nhưng để hoạt động hiệu quả, tôi đã bỏ vào gần cả tỷ đồng để xây nhà xưởng, mua dây chuyền sản xuất. Đến nay, vẫn chưa thu hồi lại vốn. Giờ mà xóa bỏ thì vừa mất vốn và mất cả việc làm". Biết việc sản xuất gạch theo kiểu cũ sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nhưng để chuyển đổi sang phương pháp mới thì không dễ. Bởi vốn đầu tư xây lò đứng, lò tuynel hoặc dây chuyền sản xuất gạch không nung rất lớn, gia đình tôi không có vốn”, ông chủ lò gạch này than.

“Bây giờ muốn chuyển đổi phương pháp sản xuất, hay đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung thì cần lượng vốn khá lớn, gia đình không biết lấy đâu ra để đầu tư. “Chúng tôi rất cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi và dài hạn thì chúng tôi mới có thể thực hiện được...”, một chủ lò gạch nói.

Lò gạch thủ công đã, đang gây tác động rất xấu đến môi trường. Việc sử dụng than, củi để đốt lò sẽ thải một lượng CO2, SO2 và nhiều chất độc hại khác ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khoẻ con người, làm gia tăng nguy cơ phá hủy tầng ô-zôn. Đó là một trong các nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu và ảnh hưởng lớn đến cây trồng và sức khỏe con người. Do đó, xóa bỏ lò gạch thủ công là việc cần nhanh chóng thực hiện. Tuy nhiên, chính quyền UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cần tạo điều kiện cho các hộ sản xuất lò gạch thủ công và lao động trong các cơ sở này chuyển đổi ngành nghề phù hợp, gắn sự phát triển kinh tế của địa phương đi đôi với việc bảo vệ môi trường.

Theo ước tính của Bộ Xây dựng, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 20 tỉ viên gạch. Với đà phát triển này, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng là hơn 40 tỉ viên. Để đạt được mức đó, lượng đất sét phải tiêu thụ tương đương với 30.000ha đất canh tác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề an ninh lương thực và các nguồn năng lượng không thể tái tạo trong tương lai. Để tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) không nung và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung; trong những năm qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo phát triển VLXD không nung để từng bước thay thế gạch đất sét nung, hạn chế sử dụng đất sét và than - những nguồn tài nguyên không thể tái tạo, góp phần bảo vệ an ninh lương thực, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải CO2.

Tài nguyên và Môi trường online