Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công ở Nghĩa Mỹ
Các lò gạch thủ công mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân như: Giữ được ngành nghề truyền thống, cung cấp vật liệu cho các công trình xây dựng; đặc biệt là đã tận dụng và giải quyết được công việc làm cho người lao động nhàn rỗi tại địa phương. Nhưng việc sản xuất gạch thủ công cũng đêm đến nhiều hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh, sức khỏe của con người. Chính vì thế, thủ tướng chính phủ đã có quyết định 115 quy định đến hết năm 2010 phải đóng cửa các lò gạch thủ công. Vì nhiều lý do nên tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định gia hạn công tác này thêm hai năm nữa. Đến nay, đã là năm cuối nhưng dường như việc xóa bỏ các lò gạch thủ công vẫn đang là một bài toán nan giải đối với chính quyền tại xã Nghĩa Mỹ.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn xã Nghĩa Mỹ có 42 lò gạch thủ công đang hoạt động, hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng hơn 200 lao động; với mức thu nhập bình quân từ 1 triệu rưởi đến 2 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, các cơ sở này cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng triệu viên gạch. Điều đáng nói ở đây là các lò gạch thủ công trên địa bàn xã Nghĩa Mỹ mà chủ yếu là tại thôn Phú Mỹ nằm rất gần khu dân cư và trường học. Đến mùa nắng, các lò hoạt động liên tục thải khí độc ra môi trường xung quanh, không khí bị ô nhiễm nặng rất khó thở. Người dân ở đây, ai cũng biết việc sản xuất gạch bằng phương pháp thủ công rất ảnh hưởng đến môi trường, làm giảm năng suất lúa và hoa màu tại địa phương, cần phải xóa bỏ, nhưng để xóa bỏ nó là cả một vấn đề.
Từ năm 2007, huyện Tư Nghĩa cũng đã quy hoạch làng nghề sản xuất gạch thủ công tại núi Trọc xã Nghĩa Phương. Tuy nhiên quỹ đất tại đây rất ít không thể tiếp nhận thêm những lò gạch ở xã Nghĩa Mỹ. Bà Nguyễn Thị Lan Chi - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ cho biết: Người dân ở đây chủ yếu sống bằng việc sản xuất gạch và làm nông. Muốn giảm thiểu sự ô nhiểm của các lò gạch thủ công thì phải có kế hoạch quy hoạch lại làng nghề. Nhưng quỹ đất trống, xa khu dân cư tại xã không có nên không thể nào di dời tập trung các chủ lò gạch về một khu vực sản xuất riêng được. Việc sản xuất gạch theo hướng thân thiện với môi trường đang là giải pháp được nhiều người nghĩ tới nhiều nhất. Song để xây dựng một lò gạch tuynen hay lò gạch kiểu đứng trong sản xuất gạch đòi hỏi phải có một nguồn kinh phí đầu tư lớn. Trong khi đó những hộ sản xuất gạch thủ công ở xã Nghĩa Mỹ chủ yếu vẫn là các cơ sở nhỏ lẻ và tự phát nên không đủ vốn và lực để xây dựng. Anh Nguyễn Toan chủ lò gạch ở thôn Phú Mỹ tâm sự: “Nhà nước đã có chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công thì chúng tôi phải nghe theo thôi, nhưng việc này là rất khó khăn; xây dựng một lò gạch thủ công chỉ mất từ 7 - 8 triệu đồng, còn xây dựng một lò gạch kiểu đứng thì phải tốn từ 5 đến 6 trăm triệu đồng, lò gạch tuynen phải tốn tới vài tỷ đồng, chúng tôi không có đủ vốn để xây dựng.”
Hiện tại, mỗi ngày các lò gạch thủ công trên địa bàn xã Nghĩa Mỹ, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động. Nếu thực hiện việc xóa bỏ các lò gạch thủ công thì ước tính cũng có hàng trăm lao động sẽ không có việc làm, họ vừa mất việc làm, mất thu nhập; điều này sẽ dẫn đến cuộc sống của người dân nơi đây đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đó cũng là lý do mà các lò gạch thủ công vẫn tồn tại, khó giải quyết dứt điểm. Việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chủ lò gạch thủ công chuyển đổi hình thức sản xuất, đào tạo lao động và bố trí việc làm cho những người lao động đang sinh sống từ những lò gạch thủ công; sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân. Chuyển đổi mô hình sản xuất hợp lí đã và đang là mục tiêu của các cấp các ngành trong chiến lược phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn xã Nghĩa Mỹ. Nhưng để làm được điều này cần phải có thời gian và nguồn lực nhưng quan trọng hơn là sự nỗ lực của chính các chủ lò gạch thủ công.
Việc xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn xã Nghĩa Mỹ là hết sức cần thiết vì đây là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, đe dọa đến sức khỏe của những người dân sống xung quanh. Xong, viêc xóa bỏ các lò gạch thủ công đòi hỏi cần phải có thời gian và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền trong toàn tỉnh. Trong khi chính quyền địa phương chưa có biện pháp giải quyết triệt để vấn đề này, thì các lò gạch thủ công trên địa bàn xã vẫn cứ hoạt động, vô tư xã khí thải ô nhiểm ra môi trường xung quanh. Người dân nơi đây, hàng ngày vẫn cứ phải cố gắng sống chung với tình trạng ô nhiễm này.