Một số công trình có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc: Dự án chậm tiến độ, thiệt hại lớn

Trong khi các nhà thầu nước ngoài khác không đáp ứng được những tiêu chí do chủ đầu tư đề ra, thì các nhà thầu Trung Quốc lại coi đó là "thế mạnh” với hàng loạt các dự án trúng thầu, đặc biệt là các dự ánvề hạ tầng, về điện, xi măng... Hệ quả từ việc "chấp thuận hết” ấy là hàng loạt dự án trong các năm gần đây bị chậm tiến độ, thậm chí phá sản, gây thiệt hại không thể kiểm đếm.

Sự chậm trễ của các dự án kéo theo những thiệt hại khôn lườngvề đất đai, nhân lực, gây ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế của nhiều ngành nghề, địa phương

Theo thống kế chưa đầy đủ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong vòng 10 năm trở lại đây các nhà thầu Trung Quốc luôn thắng thế ở các dự án điện, nhiệt điện, xây lắp, phân bón, hóa chất... Cụ thể, nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu 13 dự án nhiệt điện than (dưới dạng EPC - chìa khóa trao tay), chiếm gần 30% công suất toàn ngành điện. Lĩnh vực xi măng, nhà thầu Trung Quốc trúng tới 49 dự án trên tổng số 62 dự án dây chuyền. Ngành hóa chất, có 6 dự án phân đạm u rê, thì 5 dự án đã thuộc về tổng thầu Trung Quốc. Trong các gói thầu xây lắp, các nhà thầu Trung Quốc thắng thế tới 50% giá trị gói thầu. Ngoài ra là dự án chế biến khoáng sản tại Lâm Đồng, dự án Alumin tại Đắc Nông và hàng trăm dự án vừa và nhỏ ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn quốc, đều do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm.
 
Ông Dương Văn Cận, Tổng Thư ký Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, lý do mà các nhà thầu Trung Quốc vượt qua hàng loạt các nhà thầu nước ngoài khác là luôn chấp thuận mọi giá thầu của phía Việt Nam khi đàm phán. Thậm chí kể cả các yêu sách chỉ có ở ViệtNam, cũng được phía nhà thầu Trung Quốc "ok” hết. Nguyên tắc đầu thầu có lợi, chủ đầu sẽ tư phê duyệt. Và từ những "ok” nhanh vội ấy, qua thực tiễn, là các "sản phẩm không theo ý muốn”. Có thể kể đến các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện do ngành than và Tổng công ty Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, phía Trung Quốc làm tổng thầu, hầu hết đều chậm tiến độ. Nhà máy nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng, nhà máy nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng, nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn chậm 28 tháng, nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng, nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 chậm 18 tháng, nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2 chậm 24 tháng...
 
Sự chậm trễ, kéo theo đó là những thiệt hại khôn lường về đất đai, nhân lực, tài lực, tất cả chỉ vỉ "các yêu sách được đáp ứng hết” từ phía nhà thầu Trung Quốc. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam (EVA) cho biết, có muôn vàn lý do nhà thầu Trung Quốc đưa ra để lý giải cho sự chậm trễ tiến độ (chủ yếu là nguyên nhân khách quan từ phía Việt Nam). Điều này có thể châm chước được. Song sự yếu kém, những bất cập và các sự cố trong quá trình triển khai dự án, vận hành đưa vào sử dụng, thì rõ ràng vấn đề ở đây là năng lực của nhà thầu. Nhiều nhà đầu tư vì tham rẻ mà khiến cho dự án bị đình trệ, thậm chí phá sản, mức phí tổn cộng với giá thầu của nhà thầu Trung Quốc, có thể kêu gọi được các nhà thầu Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả từ châu Âu, Mỹ. "Dự án nhà máy phân bón DAP Đình Vũ số 1 (Hải Phòng) là minh chứng dễ thấy nhất cho sự trớ trêu của giá thầu rẻ. Được khởi công năm 2003, ký hợp đồng EPC năm 2005, sau 2 năm DAP số 1 mới được thi công với vốn đầu tư hơn 172 triệu USD. Sau 3 năm tiếp theo nhà máy cho ra sản phầm đầu tiên nhưng đến nay vẫn hoạt động ở mức cầm chừng vì hệ thống dây chuyền chưa hoàn thiện. Nguyên nhân là tổng thầu Trung Quốc không có đủ năng lực tài chính để trả cho các nhà thầu phụ, dẫn đến công trình dở dang...”, ông Ngãi nhận xét.
 
Biết không đủ năng lực, vì sao các nhà thầu Trung Quốc vẫn thắng thế? Phải chăng đằng sau câu chuyện mời thầu, là những khoản chi "ngoài luồng” cho bên A, B, thậm chí cả những bên không nằm trong dư án nhưng có sức mạnh tiên quyết cho dự án thành hiện thực, điều mà các nhà thầu Trung Quốc "hiểu” và thực hiện rất thành công ở Việt Nam?
 
 Đề giải quyết tình trạng này, theo tiến sĩ Nguyễn Quang A cần phải xem xét lại việc giá dự thầu không nên coi là tiêu chí quyết định của việc trao hợp đồng EPC. Thay vào đó, cần quy định các vấn đề như chất lượng, tiến độ thi công, chi phí (bao gồm chi phí dịch vụ sau bán hàng, mức độ hữu dụng của công nghệ tính vào chi phí, đặc biệt là chi phí chuyển giao công nghệ cho lao động trong nước)... là các yếu tố quyết định, rồi mới đến giá dự thầu. Ngoài ra, phải có hệ thống giám sát thầu từng cấp, do các cơ quan chức năng quy định. Có như vậy, mới có thể chấm dự được tình trạng "trúng thầu xong rồi để đấy”, hay có đi vào hoạt động cũng chỉ dưới mức yêu cầu đề ra, như nhiều nhà thầu Trung Quốc đã và đang triển khai, thực hiện.
 
Tuấn Việt