Lò gạch thủ công vẫn “bất chấp” lệnh cấm
Các cấp chính quyền đã có chỉ đạo về việc “xoá sổ” các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, tại các xã Cao Thành, Viên Nội (huyện Ứng Hoà, HN), hiện vẫn có hàng chục lò gạch thủ công ngang nhiên hoạt động.
Cảnh nhộn nhịp ở lò gạch tại xã Cao Thành. Ảnh: Đạt Lê
Hoạt động rầm rộ
Tại khu vực xứ đồng Hồ Soi (xã Cao Thành) có gần chục lò gạch thì 5 lò vẫn hoạt động. Máy trộn, xe thồ cùng nhiều công nhân tất bật xếp gạch mộc vào lò… Bà Nguyễn Thị Ng (thôn Tử Dương, xã Cao Thành) cho biết, các lò gạch thủ công này hoạt động từ năm 2003 – 2004, ban đầu chỉ 1-2 lò. Cứ mỗi khi các lò đỏ lửa thì người dân lại phải hứng chịu khói bụi ô nhiễm. Các ruộng lúa, hoa màu gần đó đều bị táp lá, héo úa vì khói lò.
Từng bốc gạch thuê nhiều năm cho các chủ lò tại đây, chị Hương (người dân địa phương) cho biết: “Bất đắc dĩ chị em chúng tôi mới phải đi gánh gạch thuê. Vừa bụi bẩn, cực nhọc, khói than ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, có người đi làm vài ba bữa đã phải nghỉ. Vất vả như thế, nhưng cũng chỉ kiếm được trăm nghìn mỗi ngày”.
Tại địa phận xã Viên Nội, các lò gạch cũng hoạt động khá rầm rộ. Phía bãi đất giáp lòng sông Đáy có đến 7-8 lò gạch nằm sát nhau, trong đó chỉ 1 lò ngừng hoạt động, các lò đều nhả khói mù trời. Các chủ lò còn huy động máy xúc, máy ủi để múc đất dọc theo khu vực chân đê tạo thành những hố sâu đến 3 – 5m, chiều rộng hàng trăm mét vuông.
Trước tình trạng lò gạch thủ công hoạt động mặc dù đã có lệnh cấm, ông Nguyễn Văn Cường - người dân địa phương cho rằng: Việc các lò gạch hoạt động được đến thời điểm hiện nay là do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương. Việc xử lý vi phạm chỉ mang tính hình thức nên các lò vẫn ngang nhiên đốt.
Tại xã Viên Nội, các lò gạch dùng máy xúc “moi ruột” hành lang đê sông Đáy.
Chính quyền lúng túng giải quyết (?!)
Ngày 20.7 trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Mạnh - Chủ tịch UBND xã Cao Thành - cho biết, trên địa bàn xã còn 9 lò gạch thủ công (có 5 lò đang hoạt động) trên diện tích khoảng 2-3ha đất. Các lò hoạt động được gần chục năm nay và hầu hết là tự phát gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hành lang đê… Tuy nhiên, theo ông Mạnh, việc xử lý các lò gạch thủ công trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Xã chỉ xử phạt hành chính, còn việc cưỡng chế, UBND xã không đủ thẩm quyền. Vì vậy, phạt xong các chủ lò lại tái diễn hoạt động.
Cũng theo ông Mạnh, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện (thông báo số 22/CV-UBND) ngày 11.1.2012 về việc xoá bỏ các hoạt động sản xuất lò gạch thủ công. UBND xã đã ra thông báo, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền để người dân tự tháo dỡ các lò gạch. “Ngày 12.7, UBND xã tổ chức hội nghị quán triệt việc tháo dỡ lò gạch. Các chủ lò được mời lên để thống nhất về việc xử lý vi phạm và tháo dỡ các lò đang hoạt động. Chậm nhất đến ngày 30.7 các lò phải thực hiện xong việc tháo dỡ bầu lò. Nếu chủ lò nào không thực hiện việc tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế, giải toả…” – ông Mạnh khẳng định.
Về việc lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên hoạt động, ông Trương Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Viên Nội cho biết, trên địa bàn xã có 11 lò (trong đó có 9 lò vẫn đang hoạt động). Các lò này sản xuất từ những năm 2004 – 2005, đều không có hợp đồng. Từ đầu năm 2012 đến nay, xã đã thông báo 2-3 lần về việc tháo dỡ, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch thủ công đến các chủ lò… Thế nhưng, khi PV đặt câu hỏi về việc xử lý vi phạm, thì ông Hải lại không đưa ra bất kỳ biên bản xử lý nào, đồng thời ông Hải nói rằng đã có báo cáo cụ thể lên UBND huyện. Tuy nhiên, khi PV hỏi về thời gian nộp báo cáo, ông Hải nói không nhớ (?).
Theo báo cáo của UBND huyện Ứng Hoà, hiện trên địa bàn huyện có 58 lò gạch thủ công. Trong đó, số lò xử lý tháo dỡ 2 lò; tự tháo dỡ, không hoạt động 8 lò; ngừng hoạt động chưa tháo dỡ hẳn 15 lò. Ngoài ra, chưa giải quyết thanh lý xong hợp đồng đấu thầu là 14 lò.
Đạt Lê (Báo Lao Động)