Thị trường VLXD ế ẩm, doanh nghiệp khốn đốn
Giao dịch BĐS trì trệ trong thời gian dài đã kéo theo thị trường VLXD ế ẩm. Các DN sản xuất và kinh doanh ngành này cũng khốn đốn không kém khi đồng vốn không thể quay vòng.
Đá xây dựng tồn đọng ở các mỏ khai thác do sức tiêu thụ chậm.
Giá giảm, tiêu thụ vẫn ì ạch
Thị trường VLXD đang ở thời điểm khó khăn nhất khi đang vào mùa cao điểm xây dựng. Các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng gạch, đá, sắt, thép, xi-măng tại Đà Nẵng rất ít khách đến mua. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ mà ngay cả DN sản xuất cũng đứng ngồi không yên khi hàng tồn kho ngày càng chất đống. Anh Năm, chủ DN VLXD cao cấp trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu cho hay, từ sau Tết đến nay, sức tiêu thụ giảm trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ một vài dự án gần hoàn thiện còn là bạn hàng. Sắt thép là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Một số đơn vị sản xuất thép ở KCN cũng kêu khó khi từ đầu năm đến nay, lượng thép bán ra giảm gần 50% so với cùng kỳ. Anh Năm cho hay nếu 3 tháng đầu năm 2011 bán khoảng 500 tấn sắt thép thì 7 tháng đầu năm nay, lượng hàng bán ra mới một nửa.
Bên cạnh đó, các mặt hàng như gạch, ngói, gốm sứ và các loại sơn chống thấm, dây cáp điện... nhu cầu cũng giảm khoảng 40%. Hiện một số loại sắt nhỏ (phi 6, 8) bán lẻ có mức giảm trung bình khoảng 600 đồng/kg và sắt cây loại lớn (phi 12, 16) có mức giảm từ 10.000-15.000 đồng/cây. Một số vật liệu khác như cát, xi-măng cũng giảm giá từ 4-6%, giá bán lẻ một số mặt hàng trang trí nội thất như sứ vệ sinh giảm khoảng 5-10% đối với loại có giá trên dưới 1 triệu đồng/cái, sàn gỗ giảm khoảng 15%, gạch ngói giảm 10%... Ðể tăng mãi lực kinh doanh, các DN cũng đã chủ động hạ giá bán, tăng cường công tác chăm sóc khách hàng nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan hơn.
Chờ…
Không chỉ các DN sản xuất sắt, thép, xi-măng… gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, mà ngay cả các doanh nghiệp sản xuất đá cũng đang lâm cảnh bi đát khi hàng làm ra phải chất đống. Ông Nguyễn Nho Chắn, Giám đốc Công ty TNHH Nho Chiến cho hay, không chỉ ảnh hưởng từ việc cắt giảm nhiều dự án, mà người dân cũng tiết giảm việc xây dựng, sửa chữa nhà giữa lúc thị trường bất động sản quá khó khăn khiến các DN sản xuất, kinh doanh VLXD nối dài thời gian ế ẩm. “Cùng thời điểm này những năm trước, mỗi ngày sản xuất khoảng 500 khối đá bán hết sạch. Còn bây giờ dù đã giảm tối đa công suất nhưng vẫn không bán được. Ngặt nỗi nghề khai thác đá không thể dừng lại, bởi nếu dừng DN sẽ khốn đốn vì giấy phép khai thác hết thời hạn”, ông Chắn nói.
Khó khăn hơn hoàn cảnh DN của ông Chắn, giám đốc một DN khai thác đá ở Phước Tường (xin được giấu tên) than thở: “Lúc trước thị trường tiêu thụ chạy, trong tay chúng tôi có tới vài trăm công nhân, nhưng bây giờ ngay cả dầu để vận hành máy móc sản xuất cũng không có đủ tiền để mua. Bởi sản xuất ra, đá cứ chất núi ngồn ngộn vì không bán được, mà có chất nữa cũng chẳng có bãi mà chất. Còn nếu di chuyển đá đi nơi khác sẽ rất tốn kém. Hiện tại các DN khai thác đá đã “đua nhau” giảm giá hết mức, thế nhưng hàng tồn kho không vơi đi. Trong khi chi phí đầu vào lại liên tục tăng, mà lớn nhất là chi phí vay vốn, do lãi suất vẫn còn ở mức quá cao khiến việc sản xuất càng khốn đốn. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ có nhiều mỏ đá phải đóng cửa”.
Theo nhận định của giới kinh doanh VLXD, những tháng tới do bước vào thời điểm mùa mưa nên sức mua nhóm hàng VLXD sẽ còn khó khăn gấp bội. Do đó, dự báo giá cả sẽ còn giảm xuống. Các nhà sản xuất VLXD đang kỳ vọng vào những chính sách mới, nhất là việc mới đây Chính phủ đã có hướng “gỡ khó” cho thị trường bất động sản qua chính sách nới lỏng tài chính ở lĩnh vực này. Hy vọng trước động thái này, thị trường bất động sản sẽ dần dần “tan băng” và giúp thị trường VLXD sớm sôi động trở lại.
Trọng Hùng (Báo Đà Nẵng)