Gạch miền Đông “giết” gạch Vĩnh Long
Làng sản xuất gạch ngói Vĩnh Long vốn tồn tại hàng chục năm nay, có tiếng khắp khu vực ĐBSCL giờ như đang “thoi thóp” trước gạch miền Đông như Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… tràn ngập thị trường.
“Bây giờ gạch Vĩnh Long đưa xuống nhiều nơi người ta không mua. Chuyện này tôi đã lên tiếng với huyện, tỉnh rồi nhưng vẫn chưa thấy gì” - ông Hồ Văn Vàng (Năm Vàng), Chủ tịch Hội Nghề gốm Vĩnh Long, cho biết.
Lò gạch Vĩnh Long từ bên trong
Đúng như nhận định của ông Năm Vàng, anh Lê Thành Tuấn (Thanh Đức, Long Hồ, Vĩnh Long), người có trên chục năm rong ruổi ngược xuôi những chuyến gạch trên miền sông nước bảo rằng trước nay ở Trà Vinh, Bến Tre, gạch Vĩnh Long gần như thống lĩnh, nay gạch Tây Ninh chiếm đến 80%. Bởi vậy 80% lò gạch truyền thống ở Vĩnh Long (trong số hơn 2.000 lò) đang tạm thời ngưng hoạt động. Đó cũng là thông tin mới nhất mà chúng tôi có được từ ông Phan Cảnh, Phó phòng Công Thương huyện Mang Thít, nơi có nhiều lò gạch sản xuất truyền thống lâu đời ở Vĩnh Long.
Gạch miền Tây cả tháng trời mới ra một lò nhưng gạch miền Đông sản xuất theo kiểu lò Hoffman liên hoàn nên chỉ 12 tiếng là có viên gạch nóng hổi xuất lò xuống ghe về miền Tây. Giá thành chỉ khoảng 500 đồng/viên, còn gạch Vĩnh Long thì tới 720 đồng/viên. Nếu ra tới cửa hàng thì gạch Tây Ninh chỉ 750-800 đồng/viên, còn gạch Vĩnh Long là 1.100 đồng/viên.
Theo anh Dương Chí Hiền (ấp Phú Hòa, Nhơn Phú, Mang Thít), sở dĩ phải tạm ngừng đốt lò gạch vì chưa bao giờ giá trấu đốt lò lại tăng cao và kéo dài như vậy. Nguồn đất làm gạch ở Vĩnh Long đã cạn, phải đi qua Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh mua chở về nhưng giờ mua không phải dễ. Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú (Mang Thít) Đặng Ngọc Thảo thông tin thêm, đất mê (đất khai thác ngoài đồng ép thành từng viên hình chữ nhật, chở về lò nhào nặn ép ra gạch) ngày càng hiếm, trước đây trọng lượng từ 24 kg/mê, nay “xén” còn 14-15 kg nhưng giá cao gấp đôi.
Trấu đốt lò - “cái thứ đồ bỏ”, giờ được nhiều nơi ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang… ép thành củi để đốt lò sấy lúa, đốt lò thức ăn viên ở các công ty sản xuất thức ăn thủy sản rồi ép thành những bánh nhỏ xuất sang châu Âu để đốt lò sưởi… Song điều khá quan trọng đó là các lò truyền thống ở đây xây riêng lẻ, không tận dụng được hết nhiên liệu đốt như các lò liên hoàn ở Tây Ninh, Đồng Nai. Vì vậy mà khó kéo giá thành xuống bằng với gạch miền Đông.
Ông Vũ Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, cho biết từ tháng 7 này đến tháng 3-2013, Trung tâm Khuyến công ở đây đã đăng ký đề tài nghiên cứu cải tiến lò gạch. Nếu đề tài được chấp nhận, mới nhân rộng ra cả tỉnh. Trong khi cơ quan chức đang “nghiên cứu” thì đã có một doanh nghiệp từ Bình Dương đến xã An Phước (Mang Thít) xây lò liên hoàn, chi phí 5 tỉ đồng để làm gạch tại cơ sở Công ty TNHH SaiGa.
Theo thời gian, gạch miền Đông đang chiếm dần thị phần gạch miền Tây. Nỗi lòng của những chủ nhân ở “vương quốc gạch” giờ có khác nào những cuộn khói đục ngầu trên những miệng lò truyền thống đang lượn lờ theo gió.
NGUYÊN VẸN