Chuyển đổi công nghệ với các lò gạch gây ô nhiễm

Nhằm giảm thiểu các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ năm 2007 tỉnh Tây Ninh đã có chính sách giúp các cơ sở, doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ cho các lò gạch gây ô nhiễm môi trường.

Lò gạch Hoffman ở Tây Ninh

Lò gạch Hoffman ở Tây Ninh

Trong đó, huyện Hòa Thành, nơi có nhiều lò gạch nhất, đã cơ bản chuyển đổi các lò gạch thủ công thành những lò gạch theo công nghệ mới như lò Hoffman, Tuynen. Việc chuyển đổi này vừa đảm bảo yêu cầu về môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho các cơ sở, doanh nghiệp.

Trước đây, các lò gạch thủ công thường sử dụng củi và vỏ hạt điều để nung gạch nên khí thải từ khói, bụi gây dị ứng, viêm phế quản cho mọi người xung quanh, nhất là công nhân làm việc trực tiếp tại các lò. Hiện tại, theo công nghệ mới như các lò gạch Hoffman, Tuynen, các cơ sở sản xuất đã chuyển sang chất đốt nung gạch bằng vỏ trấu nên đã giảm thiểu khí thải phát sinh ít gây ô nhiễm môi trường hơn.

Anh Phan Thanh Tâm, hơn 10 năm làm việc tại cơ sở sản xuất gạch Thành Lợi, cho biết trước đây làm gạch rất cực. Do hít phải khí thải độc hại nên thường xuyên anh bị ho, phát sinh nhiều bệnh về đường hô hấp, nhưng từ lúc chuyển qua làm lò mới không còn bị ảnh hưởng nữa, công việc tốt hơn, tiền công lại cao.

Theo cách sản xuất truyền thống, gạch được đưa vào lò đốt bằng gỗ, mùn cưa, vỏ hạt điều, trung bình mỗi mẻ gạch phải dùng tới cả chục tấn chất đốt. Quá trình đốt gạch thải ra môi trường rất nhiều loại khí độc hại, trong đó khí SO 2 có ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe người dân, môi trường và sản xuất hoa màu xung quanh. Đặc biệt là quy trình đốt gạch chín, tuy chỉ mất khoảng 10 giờ đốt liên tục nhưng lại tốn nhiều chất đốt nhất và cũng là giai đoạn thải ra nhiều chất độc hại nhất.

Cùng với việc nhà nước cấm sử dụng các chất đốt gây ô nhiễm môi trường nặng như vỏ hạt điều thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đã buộc phải chuyển đổi sang công nghệ mới là lò Hoffman và Tuynen. Việc đầu tư công nghệ mới cũng giúp các cơ sở, doanh nghiệp tăng công suất lên cao hơn. Ước tính mỗi ngày, một lò Hoffman trung bình cho ra lò khoảng 30.000 viên gạch (gấp trên 10 lần trước đây vì công nghệ cũ phải hơn 10 ngày mới ra lò được hơn 20.000 đến 30.000 viên). Trong khi đó, đối với lò gạch Tuynen, công suất còn đạt cao hơn, gấp ba lần lò Hoffman (khoảng 100.000 viên/ngày, tùy theo thời điểm), hơn nữa lại ít gây ô nhiễm môi trường.

Ông Âu Thanh Tùng, Giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Cotaco cho biết năm 2011, Công ty phải đầu tư 9 tỷ đồng để chuyển sang công nghệ lò Tuynen nhưng hiệu quả mang lại khá tốt, vừa đảm bảo về môi trường; đồng thời đảm bảo sức khỏe và tăng thu nhập cho công nhân. Lò không còn nóng như trước, công nhân làm việc nhẹ nhàng, không bị ỗ nhiễm, nhiễm độc từ khí thải.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang công nghệ mới không phải doanh nghiệp, cơ sở nào cũng thực hiện được. Trước đây, huyện Hòa Thành có tới 29 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch. Nhưng từ khi thực hiện buộc phải chuyển đổi sang công nghệ mới, đến nay trên địa bàn huyện chỉ còn 11 lò gạch hoạt động, chủ yếu nằm ven Quốc lộ 22B. Những cơ sở đã ngưng hoạt động với nhiều lý do như thiếu mặt bằng xây dựng nhà xưởng, thiếu kinh phí đầu tư công nghệ mới. Trong đó có vấn đề mà các doanh nghiệp đang bức xúc chính là việc thực hiện chính sách hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định số 19/2007/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Theo quyết định trên, các doanh nghiệp được hỗ trợ về vốn, vay vốn ưu đãi để xử lý môi trường tại chỗ, chuyển đổi sản xuất, di dời cơ sở, hỗ trợ đào tào nghề… Tuy nhiên, các cơ sở, doanh nghiệp cần thể hiện đầy đủ đề án xử lý môi trường, hồ sơ thuyết minh, bản vẽ kỹ thuật mô tả công nghệ sản xuất và đặc biệt khi hoàn thành dây chuyền sản xuất được Hội đồng nghiệm thu đánh giá công trình đạt tiêu chuẩn, mới được hỗ trợ kinh phí. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sau khi đầu tư xong hơn bốn năm nay vẫn chưa được hỗ trợ vay vốn cũng như đào tạo lao động, hỗ trợ nghỉ việc đối với công nhân.

Ông Nguyễn Văn Thuận, chủ cơ sở sản xuất gạch Thành Lợi, cho biết theo quy định, những cơ sở như chúng tôi khi chuyển đổi công nghệ sẽ được hỗ trợ vốn thay đổi công nghệ là 800 triệu đồng, được hỗ trợ lãi suất cho khoản kinh phí được vay dùng cho việc xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Nhưng tới nay, cơ sở chưa nhận được bất kỳ hỗ trợ nào. Do đó, mình phải tự thân vay vốn chuyển đổi công nghệ nếu muốn tiếp tục hoạt động.

Theo đánh giá của Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Hòa Thành, từ khi thực hiện lộ trình chuyển đổi công nghệ, từ lò nung thủ công sang công nghệ mới Hoffman hoặc Tuynen, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch trên địa bàn huyện đã thực hiện đúng pháp luật bảo vệ môi trường, các chỉ tiêu khí thải, khói bụi, tiếng ồn đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, do những khó khăn về vốn, kinh phí nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở đành phải "đóng cửa" vì không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường./.


Vũ Tiến Lực (TTXVN)