Cần chấn chỉnh hoạt động của cơ sở sản xuất gạch block thủ công
Những năm gần đây, tại một số địa phương trong tỉnh, các cơ sở sản xuất gạch block thủ công đang có chiều hướng phát triển. Qua trao đổi với một số chủ cơ sở sản xuất, được biết việc tham gia sản xuất và lưu thông sản phẩm này hoàn toàn đơn giản khi hiện tại chưa có cơ quan chức năng nào cấp phép và quản lý...
Nhà nhà sản xuất gạch...
Đấy là thực tế đang diễn ra tại huyện Quảng Trạch. Có mặt tại thôn 1 Tú Loan (xã Quảng Hưng), chúng tôi đếm được hàng chục cơ sở sản xuất gạch block thủ công đang đua nhau hoạt động. Để tham gia sản xuất và buôn bán sản phẩm, chủ cơ sở chỉ cần bỏ ra khoảng 30 triệu đồng mua máy trộn bê tông và máy đúc gạch cùng một số vốn lưu động và mặt bằng.
Trao đổi với một chủ cơ sở, được biết: giá thành mỗi viên gạch tại xưởng dao động trong khoảng 1.300 – 1.500 đồng/viên. Trước đây, khi số hộ tham gia sản xuất gạch còn ít, có thể tiêu thụ với giá cao và số lượng lớn. Giờ thì các cơ sở sản xuất quá nhiều nên thị trường ngày càng khó khăn hơn...
Rất nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh gạch block thủ công mọc lên.
Chị H, công nhân tại một cơ sở sản xuất gạch thôn 1 Tú Loan, cho biết: Bình quân mỗi ngày một cơ sở sản xuất từ 800 – 1.000 viên gạch. Sau khi trừ chi phí, chủ cơ sở thu lãi khoảng 100 đồng/viên. Khi tôi hỏi về chất lượng của sản phẩm, chị H khẳng định: Thường thì các gia đình sử dụng loại gạch này để xây hàng rào, quán xá, kho bãi. Những công trình này không yêu cầu chất lượng cao nên gạch block thủ công hoàn toàn đáp ứng được.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có nhiều hộ gia đình dùng để xây nhà kiên cố. Trong trường hợp này, khách hàng yêu cầu cơ sở sản xuất tăng khối lượng xi măng trong mỗi viên gạch nhằm bảo đảm chất lượng cho công trình. “Thường thì trong mỗi viên gạch có từ 0,3 – 0,4 kg xi măng. Nếu là sản phẩm đặt hàng thì lượng xi măng sẽ tăng lên tùy theo giá mà khách hàng chấp nhận! Mà có không ít gia đình sử dụng vật liệu này để xây nhà vì giá thành rẻ, việc vận chuyển cũng luôn được đáp ứng kịp thời! ”, chị H cho biết thêm.
Về các thủ tục để thành lập cơ sở sản xuất và lưu thông sản phẩm gạch, khi nghe chúng tôi hỏi đến, tất cả các chủ cơ sở đều lắc đầu khẳng định, rằng không cần xin giấy phép hay thực hiện bất cứ thủ tục nào với cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương. Nhiều chủ cơ sở còn “ngây thơ” trả lời: Tui bỏ tiền ra mua máy móc, xi măng, cát sạn, sử dụng mặt bằng của nhà mình để sản xuất gạch. Ai có nhu cầu thì tìm đến, “thuận mua vừa bán”, mắc chi phải khai báo với ai?
Có lẽ từ sự “ngây thơ” này, cộng với sự lỏng lẻo trong quản lý, nên các cơ sở sản xuất gạch block thủ công đang mọc lên như nấm sau mưa ở nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh những hệ lụy của nó như ô nhiễm môi trường, gây lộn xộn trên thị trường vật liệu xây dựng, thì vấn đề chất lượng sản phẩm đang trở nên báo động khi càng ngày càng có nhiều công trình sử dụng loại vật liệu này...
Ai quản lý?
Ai quản lý?
Qua trao đổi với một số cán bộ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, hầu hết câu trả lời đều thừa nhận thực trạng nói trên. Theo quy định, để thành lập và đưa cơ sở sản xuất đi vào hoạt động, tiêu thụ sản phẩm, các chủ cơ sở phải tiến hành các thủ tục như đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng sản phẩm với các cơ quan chức năng...
Trên thực tế, đối với các cơ sở sản xuất có quy mô lớn, việc tuân thủ các quy định này đã được thực thi, nhưng đối với những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, ở đây cụ thể là các hộ gia đình tham gia sản xuất gạch block thủ công, thì đến thời điểm này, chưa có cơ sở nào tuân thủ các quy định nói trên...
Người dân sử dụng gạch block thủ công để xây dựng nhà ở.
Về phía các chủ cơ sở, họ không phải thực hiện các quy định trên đơn giản vì không bắt buộc phải làm điều đó! Về phía cơ quan chức năng, có lẽ còn thiếu sự liên kết, phối hợp trong quá trình quản lý.
Bên cạnh đó, từ sự nhỏ lẻ trong sản xuất trước đây của các cơ sở này (sản xuất bằng tay và quy mô tiêu thụ chỉ gói gọn trong các hộ gia đình), đến nay đã bắt đầu phát triển lớn mạnh với nhiều máy móc hiện đại và lượng sản phẩm lớn, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, nhưng cơ quan chức năng dường như chưa thật lưu tâm nên còn bỏ ngỏ vấn đề quản lý. Việc sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm chỉ mới liên quan đến người sản xuất và khách hàng mà không có bất cứ sự ràng buộc nào từ phía cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương.
Để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, hạn chế tình trạng lộn xộn trên thị trường vật liệu xây dựng, đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp để chấn chỉnh hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gạch block thủ công nói trên. Một khi những cơ sở này không còn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, mà đã mở ra một thị trường tiêu thụ rộng lớn, thì cần có sự quản lý chặt chẽ để bảo đảm tuổi thọ cho các công trình xây dựng. Trên thực tế, nhiều hộ gia đình ở nông thôn, do đời sống còn thấp cộng với kiến thức hạn chế nên đã lựa chọn sản phẩm chưa được công nhận chất lượng để xây dựng nhà ở.
Hậu quả của việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng không chỉ riêng người dân phải gánh chịu mà xét một cách rộng lớn, xã hội sẽ bị ảnh hưởng, nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không kịp thời có các giải pháp để chấn chỉnh.
Theo bao quangninh