“Nóng” với quy định sử dụng VLXD không nung
Chương trình sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) sau khi triển khai đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều DN. Tuy nhiên, một số địa phương lại cho rằng thực hiện chương trình này quá khó do vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp.
Về việc thực hiện Thông tư 09 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, ông Trương Chí Trung - Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị cho biết, việc thực hiện quy định này đối với Quảng Trị là rất khó khăn. Theo ông Trung, tỉnh Quảng Trị hiện có 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 15 đô thị loại V, trong khi đó lại chưa có cơ sở sản xuất VLXKN nào. Việc sử dụng VLXKN từ các địa phương khác sẽ làm tăng đáng kể chi phí xây dựng công trình trong khi nguồn vốn ngân sách của địa phương rất hạn chế. Do đó, ông Trung đề nghị Bộ Xây dựng cho phép Quảng Trị được hưởng cơ chế đặc thù, lùi thời hạn thực hiện Thông tư 09. Cùng quan điểm này, Sở Xây dựng Lào Cai cho biết: Lào Cai hiện có 6 nhà máy sản xuất gạch tuynen với sản lượng 140 triệu viên/năm. Hiện tại các công trình sử dụng vốn ngân sách chỉ sử dụng gạch tuynen vì Lào Cai chưa có nhà máy sản xuất VLXKN nào. Nếu Lào Cai sử dụng gạch không nung thì chi phí sẽ rất cao do phải mua gạch từ địa phương khác, còn các nhà máy gạch tuynen sẽ phải giảm sản lượng hoặc đóng cửa, người lao động sẽ mất việc làm, DN không thu hồi được vốn do mới đi vào sản xuất được vài năm.
Một số địa phương khác cũng có cùng quan điểm như trên. Theo Sở Xây dựng Quảng Bình, địa phương này hiện mới chỉ có một cơ sở sản xuất VLXKN, hàng năm chỉ đạt sản lượng 10 triệu viên/năm, và một dự án sản xuất VLXKN đang chuẩn bị được đầu tư chứ chưa có cơ sở nào sản xuất gạch không nung loại nhẹ. Vì thế, nếu yêu cầu các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách bắt buộc phải sử dụng VLXKN bây giờ là rất khó khăn. Ngành Xây dựng Lâm Đồng cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ông Nguyễn Dũng - Phó giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết: Thời điểm thực hiện Thông tư 09 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng VLXKN là 15/1/2013. Tuy nhiên hiện nay, sản lượng VLXKN của Lâm Đồng vẫn chưa đáp ứng được, sản lượng gạch block của một số cơ sở sản xuất không đáng kể do đang trong giai đoạn thăm dò thị trường. Do đó, nếu bắt buộc công trình sử dụng vốn ngân sách phải sử dụng từ 50 - 70% VLXKN thì sẽ tăng đáng kể chi phí do phải chuyên chở từ tỉnh ngoài về trong khi vốn ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp…
Trước thực tế khó khăn khi áp dụng Thông tư 09 về quy định sử dụng VLXKN như vậy, các địa phương trên đều kiến nghị Bộ Xây dựng không hoặc lùi thời hạn thực hiện. Riêng Sở Xây dựng Quảng Bình kiến nghị được lùi thời hạn thực hiện Thông tư 09 một năm. Cũng liên quan đến lĩnh vực VLXD, ông Nguyễn Minh Dũng - Giám đốc Sở Xây dựng TT-Huế cho biết: Hiện nay tại địa phương, các đơn vị sản xuất VLXD có nhu cầu công bố hợp quy và yêu cầu Sở tiếp nhận bản công bố hợp quy trước khi đưa ra thị trường theo quy định. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng cho một số loại VLXD. Vì vậy, ông Dũng đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cách tiếp nhận công bố hợp quy trong trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm VLXD khi lưu thông trên thị trường.
Giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, VLXKN là chương trình được Chính phủ, các bộ, ngành tán thành cao. Đến nay, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á còn sử dụng vật liệu nung. Các lò gạch nung mỗi năm tiêu tốn diện tích đất tương đương với một xã, lại thải ra hàng triệu tấn CO2 gây ô nhiễm môi trường. Do đó, chương trình sử dụng VLXKN kiên quyết phải làm. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, một số địa phương vùng sâu vùng xa có khó khăn khi thực hiện, Bộ Xây dựng sẽ có điều chỉnh riêng cho phù hợp. Trước mắt với những dự án đã phê duyệt từ trước không nhất thiết phải áp dụng ngay, còn những dự án tới đây Bộ sẽ áp dụng tùy đặc thù từng vùng.
Vân Anh (Báo Xây Dựng)