Chuyện chưa đến hồi kết
Thị trường thép Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng thừa, nhưng lại phải đối mặt với lượng lớn thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Đây là bài toán khó cần có lời giải được đặt ra với ngành Thép nhằm tìm ra những biện pháp đối phó, ngăn chặn việc “lách luật" đưa thép chất lượng kém vào Việt Nam.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), thách thức lớn nhất của ngành Thép hiện nay chính là tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”. Tính đến hết tháng 9/2012, lượng thép cán xây dựng, thép cuộn cán nguội có sản lượng cao hơn nhiều so với lượng tiêu thụ. Trong khi đó, thép cán nóng, thép chế tạo và các loại thép không gỉ phần lớn phải nhập khẩu, đặc biệt, hiện nay lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh mẽ. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong tháng 8/2012, lượng thép nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã lên tới trên 137.000 tấn, cao gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2011. Đây là con số đáng báo động khi mà phía Việt Nam, lỗ hổng nhập khẩu vẫn tồn tại, nhiều nhà nhập khẩu lợi dụng biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Asean – Trung Quốc quy định các sản phẩm thép hợp kim nhập khẩu để sản xuất que hàn được hưởng thuế suất 0%, nên những sản phẩm thép khi nhập khẩu vào Việt Nam thường được thêm vào một lượng nhỏ nguyên tố Bo (một loại á kim) vào trong thép nhằm biến thép xây dựng thành thép hợp kim để được hưởng thuế suất thấp hơn. Thực tế cho thấy, thêm thành phần nguyên tố Bo vào không làm thay đổi tính chất vật lý cũng như “mác” của thép và không đủ tiêu chuẩn sử dụng cho cơ khí, chế tạo. Nhưng, các doanh nghiệp thương mại vẫn tiếp tục nhập khẩu thép hợp kim cho mục đích xây dựng, phục vụ nhu cầu khách hàng bởi tâm lý chuộng hàng giá rẻ vẫn rất “thâm căn cố đế” với người tiêu dùng Việt Nam. Vấn đề này cũng cần được quan tâm khi hiện nay, thị trường thép nội đang bị thép nhập lậu “ép” không thương tiếc.
Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, thực ra, chuyện nhập nhèm của thép Trung Quốc không phải bây giờ mới có, mà nó đã có từ trước đây nhiều năm, nhưng nhờ lách luật ưu đãi thuế nhập khẩu nên khi thép của Trung Quốc được “tuồn” vào Việt Nam có giá thấp hơn thép trong nước (khoảng 800.000 – 1.000.000 đồng/tấn), gây ảnh hưởng không nhỏ đến lượng tiêu thụ thép của Việt Nam, đặc biệt trong hoàn cảnh sản xuất khó khăn như hiện nay. Chưa hết, năng lực của lực lượng chức năng còn thấp, chưa có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Đây cũng là kẽ hở lớn, tạo điều kiện cho thép Trung Quốc vào sâu hơn thị trường Việt Nam mà không có hàng rào thuế quan nào giám sát, quản lý. Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 23/2012/TT-BCT về chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép cũng nhằm không để thép chất lượng kém vào Việt Nam.
Đứng trước tình hình khó khăn như hiện nay, vừa phải vực dạy ngành Thép trong nước, vừa phải đấu chọi với nạn nhập lậu thép ngoại kém chất lượng, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát sau thông quan với sản phẩm thép thông thường và thép hợp kim, nhất là quá trình đưa vào sử dụng; có các biện pháp phòng vệ để quản lý tốt hơn các sản phẩm thép Trung Quốc “lách” thuế… Cùng với những biện pháp bảo vệ ngành Thép trong nước, về lâu dài, Chính phủ cũng cần tạo điều kiện hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp xuất khẩu thép. Thép Việt cũng đã bắt đầu được “xuất ngoại” đi Lào, Malaysia… nhưng đây mới chỉ là những bước đi thăm dò ban đầu. Và chuyện ngăn chặn thép ngoại nhập kém chất lượng không bao giờ là cũ và khó có thể đi đến hồi kết nếu như không có sự nỗ lực, đồng thuận của nhiều cấp, ngành, các doanh nghiệp liên quan cùng chung tay giúp ngành Thép vượt qua được tình cảnh khó khăn như hiện nay.
Theo baoxaydung.com.vn