Long đong như… Luật Đất đai
Sáng 17/9, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp thứ 11.
Hồ sơ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy nội dung tổng hợp giải trình, tiếp thu
ý kiến của 12 bộ ngành liên quan đến dự luật dày trên 80 trang
Đây đáng được coi là “sự kiện” trong công tác lập pháp, nếu nhìn lại cả quá trình long đong lận đận của dự án luật này từ khoảng 4 năm nay.
Với những tổng kết liên tục nhiều năm rằng khoảng 70% khiếu kiện liên quan đến đất đai và trọng tâm của tham nhũng, lãng phí cũng nằm ở lĩnh vực này thì dự án luật Đất đai (sửa đổi) được đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2009 của Quốc hội, theo nhiều vị đại diện của dân thì cũng đã là muộn.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, vào giữa năm 2009 đã kiên quyết bảo vệ quan điểm phải giữ đúng tiến độ với dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (10/2009) theo đúng chương trình.
Tuy nhiên, sau đó đề nghị xin lùi của Chính phủ lại được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận. Khi trình ra Quốc hội thì đề nghị xuyên suốt, quyết liệt của các đại biểu Quốc hội là phải đưa dự luật này vào chương trình chính thức. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại giải trình và dự án luật này lại được lùi. Rồi, cứ thế, kịch bản trình - xin hoãn - giải trình - lại được lùi đã hơn một lần tái diễn.
Thế nhưng, dù Chính phủ vẫn tiếp tục đề nghị cũ, và Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nói trước phiên thảo luận toàn thể rằng, chưa đủ thời gian để xử lý những vấn đề phức tạp, nên nếu sửa vào cuối năm 2012 thì “rất lo”, Quốc hội khóa 13 ở kỳ họp mới đây nhất đã kiên quyết không thể lùi thêm nữa, với nhiều phân tích cho rằng điều kiện đã chín muồi để tiến hành. Và, nhân dân cả nước đang trông đợi từng ngày từng giờ.
Như vậy, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 4 được khai mạc vào tháng 10/2012, và đến kỳ họp thứ 5 vào giữa năm 2013 sẽ được Quốc hội thông qua, nếu đạt yêu cầu về chất lượng.
Trước khi chính thức bước vào nghị trường, dự án luật phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, và phải được Ủy ban Kinh tế thẩm tra.
Theo tờ trình ngày 6/9/2012 của Chính phủ thì dự thảo luật bao gồm 14 chương và 190 điều, tăng 6 chương và 44 điều so với Luật Đất đai hiện hành.
Dự luật tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai. Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu sẽ sử dụng hiệu quả các công cụ về giá, thuế trong quản lý đất đai nhằm khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí. Đồng thời giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai giảm các khiếu kiện về lĩnh vực này.
Nhận xét nhiều quy định đã thông thoáng hơn, song vẫn còn không ít quan ngại được đặt ra khi “soi” cụ thể các điều khoản của dự luật mới được hoàn thiện.
Tại một hội thảo chuyên đề về giá đất - một trong những vấn đề mà theo phát biểu của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Quốc hội là chưa đủ rõ và còn nhiều bất cập - do Ủy ban Kinh tế tổ chức mới đây, chuyên gia địa ốc Đặng Hùng Võ nhận xét dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn chưa hướng tới được một hệ thống quyết định giá đất độc lập, bảo đảm tính khác quan về mối quan hệ lợi ích có liên quan tới đất đai.
Ngay sau đó, ở cuộc họp Thường trực Ủy ban Kinh tế mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng nếu “mảnh đất mà biết nói năng thì dự án luật sẽ đơn giản hơn”. Một trong những vấn đề khó, phức tạp, theo vị đại biểu này là phải làm rõ cho được quy định nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và nhà nước với chức năng quản lý đất đai, vì hiện nay còn lẫn lộn. Ông Phúc cũng đề nghị dự luật cần làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất, nếu khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân thì giới hạn đến đâu, chứ không phải là vô hạn.
Hồ sơ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy nội dung tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến của 12 bộ ngành liên quan đến dự luật dày trên 80 trang. Còn báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp cũng lên đến 9 trang. Tuy nhiên, ở cuộc họp nói trên, một vị đại diện Bộ Tư pháp nói rằng còn rất nhiều ý kiến khác nhau và bà cũng chưa nhìn thấy rõ bóng dáng ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp ở dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Có lẽ sẽ còn nhiều, rất nhiều các ý kiến trái chiều và tranh luận đa chiều cho đến khi (và có thể cả sau khi) dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Song, dù sao sự long đong của dự án luật được xem là rất cần thiết cho sự ổn định hơn của xã hội này dường như bắt đầu đã có điểm dừng, sau gần nửa thập kỷ liên tục được đưa vào rồi lại rút ra. Tuy nhiên, độ chắc chắn của điểm dừng của dự án luật mà nói như nhiều vị đại biểu là “nhân dân trông đợi từng giờ” lại phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh cũng như sự quyết đoán của các vị đại diện cho nhân dân.
Theo vneconomy