Có được xin cấp sổ đỏ trước khi chia thừa kế?
Hỏi: Gia đình ông bà nội tôi sinh được 4 người con. Năm 2003 ông nội tôi mất, sau đó năm 2009 bà nội tôi cũng mất, để lại tài sản là một lô đất 1.000m2.
Ông tôi trước đó không để lại di chúc gì cả, nhưng năm 2004 bác tôi lại có sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích 600m2 trong tổng số đất 1.000m2 đó. Năm 2009 bà nội tôi mất cũng chỉ để lại giấy viết tay dặn chia đều (đất) cho 4 anh em.
Xin hỏi, bây giờ bố tôi có thể yêu cầu tòa án chia lại toàn bộ 1.000m2 đất đó cho 4 người con được không? Các thủ tục như thế nào? Nguyễn Văn Hoạt (nguyenhoatnd@...)
Trả lời
Để có thể yêu cầu tòa án chia thừa kế đối với toàn bộ quyền sử dụng đất 1.000m2, bố bạn phải chứng minh được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bác của bạn được cấp đối với 600m2 trong tổng số 1.000m2 nêu trên đã được cấp không đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp không chứng minh được hoặc nếu bác của bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở văn bản tặng cho của ông bà nội bạn, thì bố của bạn sẽ khó có cơ sở để yêu cầu tòa án chia thừa kế đối với phần diện tích 600m2 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bác bạn.
Ngoài ra, thông tin bạn cung cấp cũng không nói rõ về nguồn gốc thửa đất, như thửa đất có được ông bà nội bạn tạo lập hợp pháp hay không, có các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng như bằng khoán điền thổ, các giấy tờ của chế độ cũ cấp… hay không.
Vì vậy, để có thể yêu cầu tòa án chia di sản thừa kế đối với 1.000m2 đất trên hoặc 400m2 còn lại nếu bác của bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp đối với 600m2 đất nêu trên, thửa đất yêu cầu chia thừa kế phải được xem là di sản thừa kế thuộc quyền sử dụng của ông bà nội bạn để lại.
Việc xác định quyền sử dụng đất là di sản được thực hiện như sau:
1. Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai năm 1987, Luật đất đai năm 1993, Luật đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
2. Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 điều 50 của Luật đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 1-7-2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.
3. Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ được hướng dẫn tại mục 1 và mục 2 nêu trên nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác (như nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ôtô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn với nhà ở, các công trình xây dựng trên đất được giao để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh như nhà xưởng, kho tàng, hệ thống tưới tiêu nước, chuồng trại chăn nuôi hay vật kiến trúc khác hoặc trên đất có các tài sản khác như cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp hay các cây lâu năm khác) gắn liền với quyền sử dụng đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế thì cần phân biệt các trường hợp sau:
a. Trong trường hợp đương sự có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì tòa án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó.
b. Trong trường hợp đương sự không có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất, thì tòa án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất.
Đồng thời phải xác định ranh giới, tạm giao quyền sử dụng đất đó cho đương sự để UBND cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đương sự theo quy định của pháp luật về đất đai.
c. Trong trường hợp UBND cấp có thẩm quyền có văn bản cho biết rõ việc sử dụng đất đó là không hợp pháp, di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất không được phép tồn tại trên đất đó, thì tòa án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
(Theo TTO)