Bộ Tư pháp đề xuất hủy bỏ công chứng đối với các loại hợp đồng về nhà ở

 

Theo Luật Nhà ở có 10 loại giao dịch liên quan đến nhà ở và 12 loại hợp đồng, trong đó có 5 loại không bắt buộc công chứng, chứng thực và 7 loại bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

 

Bộ Tư pháp đã có đề xuất hủy bỏ thủ tục bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực các loại hợp đồng liên quan đến nhà ở nhằm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc phạm vi mà Bộ Tư pháp quản lý.

Ngày 25/10, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã ký Văn bản 1780/BXD-QLN trả lời văn bản số 6931/VPCP-KSTT về việc Báo cáo của Bộ Tư pháp về đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở.

Phú Điền - Nhà ở biệt thự

Theo nội dung của văn bản, Luật Nhà ở quy định có 10 loại giao dịch liên quan đến nhà ở đó là mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý và thừa kế. Có 5 loại hợp đồng không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực gồm Hợp đồng mua bán nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, Hợp đồng cho thuê nhà ở, Hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội, Hợp đồng tặng cho nhà ở mà bên tặng là tổ chức, và Hợp đồng cho thuê nhà ở của cá nhân có thời hạn dưới 6 tháng.

Còn 7 loại hợp đồng còn lại bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực gồm Hợp đồng mua bán nhà ở giữa cá nhân và cá nhân, hợp đồng đổi nhà ở, hợp đồng cho thuê nhà ở của cá nhân trên 6 tháng, hợp đồng tặng cho nhà ở giữa cá nhân và cá nhân, hợp đồng cho mượn cho ở nhờ, hợp đồng thế chấp và hợp đồng ủy quyền quản lý.

Bộ Tư pháp đã có đề xuất hủy bỏ công chứng hoặc chứng thực các loại hợp đồng này. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, qua thực tiễn cho thấy thủ tục này đã giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được giao dịch, hạn chế rủi ro tranh chấp có thể xảy ra.

Vì thế, ngoài 5 loại hợp đồng không bắt buộc công chứng hoặc chứng thực trên thì chỉ quy định thêm 3 hợp đồng nữa không cần công chứng để giảm thủ tục cho người dân gồm hợp đồng cho thuê nhà ở của cá nhân trên 6 tháng, hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ và HĐ ủy quyền quản lý.

Đối với hợp đồng thế chấp thì bắt buộc phải công chứng do tiềm ẩn nhiều rủi ro và tranh chấp của loại giao dịch này

Đối với HĐ mua bán nhà ở của cá nhân, HĐ đổi nhà ở, HĐ tặng cho nhà ở của cá nhân thì nên bắt buộc phải công chứng và chứng thực. Vì đây là giao dịch về chuyển quyền sở hữu để được Nhà nước công nhận và sang tên sở hữu nên cần thiết có sự xác minh, kiểm soát về tính pháp lý.

Riêng đối với HĐ cầm cố và HĐ bảo lãnh nhà ở thì không đưa vào quy định cải cách thủ tục hành chính. Do Luật Nhà ở không có quy định. Đối với HĐ góp vốn bằng nhà ở thì nên quy định bởi pháp luật về đầu tư và phát luật về doanh nghiệp.

Theo TTVN