Chống sạt lở bằng nguyên lý rễ cây
TS Nguyễn Tiến Thắng, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ thuộc ĐH Duy Tân Đà Nẵng cho biết, phương pháp ứng dụng sợi vải kỹ thuật giúp gia cố tường chắn đất chống sạt lở tuy chi phí cao gấp 3 - 4 lần so với chỉ xây tường bao bình thường nhưng có thể chịu lực của bão từ cấp 11 trở xuống và tồn tại hàng chục năm.
Tường chắn có nối vải địa kỹ thuật được sử dụng nhiều nơi tại bang California, Mỹ
TS Nguyễn Tiến Thắng vừa trở về từ bang California (Mỹ) sau hơn một tháng tập huấn tại Trường ĐH California. TS Nguyễn Tiến Thắng cho biết:
- Bang California thường xảy ra động đất và đối mặt với nguy cơ sạt lở cao. Theo số liệu mà Trường ĐH California có được, trước đây, hằng năm có khoảng vài ngàn vụ sạt lở đất tại sườn núi, taluy đường, sông suối, bờ kênh..., gây thiệt hại khoảng 5 tỷ USD/năm. 10 năm trở lại đây, nhờ ứng dụng vải địa kỹ thuật để gia cố tường chắn chống sạt lở, hiện chỉ còn khoảng vài trăm vụ sạt lở mỗi năm và thiệt hại giảm đáng kể, chỉ khoảng 200 triệu USD/năm.
* Phương pháp này cụ thể hơn là như thế nào, thưa ông?
- Đây là sự mô phỏng tự nhiên theo nguyên lý rễ cây để chống sạt lở. Nói nôm na tức là tường chắn bình thường giống như thân cây không có rễ, nó có thể chắn được sạt lở ở một mức độ nào đó rất nhỏ và không bền. Khi bị lực tác động mạnh, bức tường này sẽ dễ dàng bị ngã đổ. Do vậy, người ta mới nghĩ ra việc thêm các sợi vải kỹ thuật dính chặt vào bức tường này như những rễ cây giữ cho tường chịu lực tốt, khó có thể ngã đổ. Sợi vải địa kỹ thuật một đầu nối chặt với tường, đầu kia bám chặt vào lòng đất bằng lực ma sát, lợi dụng độ bền của đất để giữ tường không bị ngã. Nếu trong điều kiện gió bão quá lớn, tường chắn có nguy cơ ngã đổ thì khi sử dụng phương pháp tường chắn có nối với sợi vải địa kỹ thuật sẽ không bị sập đột ngột như những tường, đê chắn thông thường. Trong thời gian đó, người dân có thể sơ tán nhà cửa, vật dụng, súc vật ra khỏi nơi nguy hiểm. Tường chắn theo phương pháp này cũng có những lỗ thoát nước mưa giống như tường bình thường.
* Phương pháp này cần thiết như thế nào ở Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung?
- Các sự cố sạt lở đất ngày càng phổ biến, trở thành một trong những thảm họa mà xã hội đang phải đối mặt. Tại Đà Nẵng, nhiều nơi cũng đang đối mặt với nguy cơ sạt lở nghiêm trọng và các biện pháp gia cố chỉ mang tính tạm thời, chủ yếu vẫn phải sơ tán dân, gây tốn kém về sức người và sức của. Chẳng hạn như tuyến đường Hoàng Sa trên bán đảo Sơn Trà, đoạn từ chùa Linh Ứng, bãi Bụt đến đường vào bãi Đa, con đường du lịch rất đẹp của thành phố rất dễ bị sạt lở vào mùa mưa bão. Việc khắc phục còn mang tính chắp vá, đối phó thay vì phải thực hiện các giải pháp có tính căn cơ, bền vững. Mái ta-tuy dương ở khu vực trước khu du lịch Biển Đông, bãi Rạng... vẫn làm theo kiểu đúc tường bê-tông ở chân ta-luy, phía trên trồng cỏ xen lẫn tre nhằm tiết kiệm thời gian thi công và kinh phí. Thực tế cho thấy không những không tiết kiệm được mà còn khiến tốn kém nhiều hơn cho việc khắc phục, sửa chữa. Tình trạng sạt lở này đang gây ra những mối đe dọa rất lớn đối với an toàn của các khu du lịch và du khách phía bên dưới.
Nguy cơ sạt lở còn đe dọa hơn chục hộ dân ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), hay ở quận Ngũ Hành Sơn và ven nhiều con sông tại Đà Nẵng. Còn trên cả nước, sạt lở là nỗi lo của hầu hết các địa phương mà vẫn chưa được giải quyết hữu hiệu.
* Nhưng phương pháp này liệu có tốn nhiều kinh phí khi áp dụng tại Đà Nẵng?
- Mỗi sợi vải địa kỹ thuật này rộng từ 5-10 phân, khoảng bằng nửa bàn tay người nhưng có độ bền như thép, dẻo và không bị mục nát, có thể tồn tại khoảng từ 10-20 năm. Mỗi sợi vải này có giá 4 USD. Một bức tường chắn dài 5m, cao 3m (1m chân tường nằm dưới lòng đất), nếu lượng đất sát chân tường cao 1,5m thì cần khoảng 50 sợi vải. Như vậy, khoảng 5m tường bao thì tốn khoảng 5 triệu đồng chi phí sợi vải địa kỹ thuật. Còn lại các vật liệu xây tường như xi-măng, thép... thì chỉ là vật liệu bình thường. Tuy chi phí cao gấp 3 - 4 lần so với xây tường bao bình thường nhưng phương pháp này giúp tường có thể chịu lực của bão từ cấp 11 trở xuống và có thể tồn tại hàng chục năm, hạn chế được thiệt hại về người và của do thiên tai.
* Xin cảm ơn ông!
Phương Trà