Doanh nghiệp tìm lối ra

 

Theo các DN BĐS, sở dĩ họ đang chết từng ngày trên khối tài sản của chính mình là do không tiêu thụ được sản phẩm nên không có tiền.

Phú Điền - Hình ảnh cho lối ra của bất động sản

Thực trạng “khô máu”

Thị trường BĐS được ví như cơ thể con người, nếu muốn sống thì cần phải có một lượng máu (tiền) vừa đủ để lưu thông. Song hiện nay lượng tiền lưu thông trong lĩnh vực BĐS không còn nhiều nên cơ thể bị yếu, kiệt quệ và nằm liệt một chỗ, nhiều DN thực sự đã “chết lâm sàng”. Muốn cứu được thị trường này, theo các DN là phải có “phác đồ” điều trị hợp lý. Ông Vũ Anh Tâm - Tổng giám đốc Cty Tài Nguyên than thở, bốn năm qua thị trường BĐS bị suy giảm nghiêm trọng, chuyển động thị trường gần như bằng phẳng ở hầu hết các phân khúc căn hộ khiến nhiều DN lao đao trên đống tài sản của mình vì không thể tìm được đầu ra cho sản phẩm. Cũng vì lý do đó mà không có ngân hàng nào dám cho vay, các DN địa ốc đang ăn mòn vào tài sản của mình.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhìn nhận: “Hiện nay tất cả các DN địa ốc đều khó khăn ở mức độ khác nhau. Có Cty phải trả hàng tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày, thậm chí có DN phải trả hơn cả con số ấy. BĐS đang hứng chịu nhiều tác động của chính sách vĩ mô như lãi suất cao, thuế ngất ngưởng, chính sách đất đai chưa phù hợp. DN dù rất tâm huyết với nghề nhưng đang phải “chết” trên đống tài sản của mình”. Đồng tình với quan điểm đó, ông Đặng Hoàng Vũ - Tổng giám đốc Cty địa ốc Thanh Bình cho biết: “Với tình hình thị trường BĐS không có đầu ra như hiện nay thì hàng đống tài sản sẽ bị chôn vùi trong núi nợ. 90% DN trong ngành không còn sản xuất từ một năm rưỡi nay bởi thị trường không có thanh khoản”. Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Cty Lê Thành chia sẻ: “Với phân khúc căn hộ diện tích nhỏ giá 11 - 14 triệu đ/m2 trước đây mỗi tháng bán được 60 căn thì nay sụt giảm mạnh, chỉ bán được chưa tới 20 căn. Nhà giá rẻ là điểm sáng duy nhất nhưng nay cũng khó tìm được đầu ra. Nếu phân khúc này tắt thì các dự án khác chắc chắn cũng không bán được hàng”.

Giải pháp cứu BĐS

Trước thực trạng khó khăn chung, các DN BĐS cho biết họ không xin tiền của Nhà nước hay xin miễn giảm thuế đối với DN mà chỉ xin cơ chế được đối xử công bằng, minh bạch. Ông Nghĩa, Cty Lê Thành bức xúc về cách tính thuế tiền sử dụng đất theo quy trình ngược, tức là khi hoàn thành xong dự án rồi mới biết tiền sử dụng đất phải đóng là bao nhiêu. Ông lấy ví dụ cụ thể từ dự án Lê Thành Twin Towers, theo tính toán tất cả các chi phí thì dự án được bán với giá 14 triệu đ/m2 nhưng khi làm hồ sơ để đóng tiền sử dụng đất Cty kiểm định tính toán dự án phải bán ở mức giá 17 triệu đ/m2 mới phù hợp? Như vậy vô hình trung đã đẩy giá BĐS lên cao khiến người mua khó tiếp cận vì vậy thị trường trở nên ảm đạm. Ông Nghĩa kiến nghị Nhà nước nên xem xét lại chính sách thu tiền sử dụng đất của Nghị định 69/2009, chỉ thu của DN từ 10 - 20% giá thị trường chứ không phải 100% như Nghị định 69/2009 quy định. Bởi Nhà nước chỉ cấp cho DN mỗi tờ giấy (quyết định giao đất) còn mọi chi phí thì DN phải tự lo (kể cả chi phí phi chính thức) để thực hiện dự án. Nếu giải được bài toán này thì mới biết được suất đầu tư của một dự án là bao nhiêu, từ đó giảm được giá thành để kích thị trường. Hiện tại có 3/4 các dự án đang triển khai đã đóng tiền sử dụng đất trước khi có Nghị định 69/2009.

Ông Lê Hoàng Châu, đại diện cho các DN BĐS TP.HCM kiến nghị: Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất cho vay, có lộ trình cụ thể để đưa lãi suất cho vay trở về mức 11 - 12%/năm, tạo điều kiện cho nền kinh tế và thị trường BĐS phát triển bình thường và ổn định. Với lãi suất trên dưới 20%/năm như hiện nay sẽ là gánh nặng quá sức chịu đựng của DN. Đặc biệt, cho DN được gia hạn nợ hoặc đáo nợ đến hạn để cầm cự trong giai đoạn khó khăn…

Ông Tâm, Cty Tài Nguyên hiến kế: “Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà như nhiều quốc gia đang làm. Thay vì bơm vốn cho DN, Nhà nước nên tài trợ trực tiếp cho người mua nhà, như vậy tính thanh khoản của thị trường sẽ tăng lên, DN cũng bớt khó khăn và người dân có nhà để ở, giải quyết được bài toán an sinh xã hội. Một khi DN địa ốc bán được hàng thì sẽ tạo ra việc làm cho ngành xây dựng, xi măng, sắt thép…”. Ông Châu cho biết thêm, hiện tại UBND TP.HCM đã chấp nhận cho điều chỉnh công năng một số căn hộ để có thể chia nhỏ diện tích cho phù hợp với nhu cầu người mua, cùng với đó TP cũng sẽ mua căn hộ làm quỹ nhà tái định cư cho TP.

Ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia: Đầu ra của thị trường địa ốc cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới. Chủ trương của Chính phủ là sẽ hỗ trợ thúc đẩy phân khúc nhà thu nhập thấp, nhà tái định cư nhằm tạo sự lan tỏa chung cho toàn thị trường. Đối với chi phí đầu vào như: Giãn thuế, hạ lãi suất sẽ được Chính phủ cân nhắc. Thị trường vốn, tiền tệ cũng đang được cải thiện dần một cách có kiểm soát. Việc giãn nợ có thể được áp dụng nhưng không đại trà.

Cao Cường