Ba kế sách cứu bất động sản

Phú Điền- Kế sách gỡ rối BĐS

Loay hoay tìm cách gỡ rối cho thị trường BĐS


Có nên bơm tiếp vốn cho thị trường; đẩy mạnh hoạt động cho thuê lượng chung cư tồn kho; hình thành các quỹ tiết kiệm nhà ở; giảm thuế VAT cho người mua nhà lần đầu… là những giải pháp được các chuyên gia đưa ra nhằm hiến kế cứu thị trường BĐS vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại.

Theo TS Trần Kim Chung về nguyên tắc, thị trường BĐS muốn phát triển thì các luồng vốn phải liên tiếp được đổ vào và năm sau luôn phải cao hơn năm trước. Do đang bị hạn chế về luồng vốn nên thị trường trước mắt chưa thể có cú hích, tuy nhiên về dài hạn vẫn nhiều triển vọng.

Với diễn biến của lạm phát như hiện nay thì khả năng giảm lãi suất là rất cao, từ đó tạo cơ hội cho luồng vốn tiếp tục chảy vào BĐS. “Theo tôi, sau hơn 2 năm trầm lắng, thị trường BĐS ắt phải đi lên, nhưng đi lên như thế nào và thời điểm nào vẫn chưa thể có câu trả lời chính xác" - TS Chung nhận định.
 
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Phan Thành Mai, cùng với việc tăng đầu tư công, đặc biệt cho cơ sở hạ tầng thì cần sớm đưa các mô hình quỹ hỗ trợ nguồn cầu vào thí điểm nhằm hỗ trợ thúc đẩy nguồn cầu của thị trường, giải quyết hàng tồn kho BĐS, khơi thông nguồn vốn cho DN.

Đặc biệt, cần tập trung vào mô hình quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở, cho người thu nhập trung bình khá; tiết kiệm trung hạn, cho vay trung và dài hạn; có chính sách lãi suất không thay đổi suốt thời gian vay, đối với mua nhà ở; mô hình cơ quan tái cho vay thế chấp, huy động nguồn vốn dài hạn từ các công cụ trái phiếu, chứng khoán nợ, nguồn cho vay dài hạn...
 
Nằm trong các đề xuất về mặt chính sách, gần đây nhất, để gỡ khó cho thị trường, Bộ Xây dựng cũng vừa đề nghị nới lỏng chính sách tín dụng đối với các DN sản xuất, kinh doanh BĐS... Đặc biệt, cơ quan này nhấn mạnh đề xuất giảm một nửa thuế VAT (xuống còn 5%) cho người mua nhà ở chung cư thương mại bình dân nhằm kích cầu thị trường.
 
Theo đề xuất của Sở Xây dựng TPHCM, trong lúc này nên nghiên cứu chẻ nhỏ căn hộ diện tích lớn có thể tiêu thụ được hết lượng hàng tồn kho cho thị trường. Theo cơ quan này, một trong những giải pháp có thể xem xét là chia nhỏ diện tích căn hộ từ 80-100m2 xuống còn 45-55m2 để giá bán phù hợp với túi tiền của người dân.
Còn theo khảo sát của một số Cty nghiên cứu thị trường như Savill, CBRE thì nhu cầu thuê căn hộ đang tăng mạnh. Vì vậy, trong bối cảnh thị trường tiếp tục trầm lắng, lối thoát cho hàng tồn kho chính là cho phép các chủ đầu tư chuyển đổi công năng từ dự án căn hộ để bán sang cho thuê.

Khảo sát của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, phân khúc căn hộ cho thuê bình dân, vốn có nhu cầu rất lớn, lại chưa được các chủ dự án quan tâm đầu tư, nên nguồn cung rất ít ỏi. Khi một nguồn lớn căn hộ trung, cao cấp được chuyển đổi sang phân khúc bình dân sẽ góp phần đáng kể hạ nhiệt nhu cầu này. 
 
Mới đây nhất, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - quyết định bán căn hộ chung cư cao cấp Thanh Bình (phường Tân Hưng, quận 7, cách trung tâm thành phố khoảng 2km) với giá dưới 21 triệu đồng/m2, chỉ bằng 1/2 mặt bằng giá của khu vực. Nhiều chủ đầu tư khác bảo ông Đoàn Nguyên Đức phá giá. Trong buổi mở cửa căn hộ mẫu chung cư Thanh Bình, trao đổi với báo chí, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết: “Tôi không thích khi người khác bảo tôi phá giá. Mỗi Cty có cách quản trị khác nhau, giá thành căn hộ sẽ rất khác nhau.
 
Theo thống kê của Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea) tổng số nợ mà các DN BĐS đã niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 200.000 tỉ đồng, trong khi quỹ tiền mặt mà các DN này đang nắm giữ chỉ khoảng 9.000 tỉ đồng. Với “sức khỏe” tài chính như vậy, chỉ đủ cho các DN cầm cự thêm được vài tháng. Cũng theo thống kê của Horea, hiện nay 60 -70% số DN BĐS đang đắp chiếu, sản phẩm làm ra không bán được.
                                                                                                                                                                                    Theo Landtoday