Ba giải pháp cho thị trường BĐS 2012?
Hội thảo “Giải pháp tổng thể cho thị trường BĐS 2012” do Infotv và Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức sáng ngày 28/3 tại Hà Nội có nhiều tham luận và ý kiến của các chuyên gia cũng như quan điểm của các doanh nghiệp.
Xiết chặt quy hoạch đất đai
Theo các chuyên gia, 3 kịch bản được xây dựng cho thị trường BĐS 2012 gồm có: Kịch bản thị trường khởi sắc: đây là khả năng mọi người mong muốn nhất nhưng cũng khó xảy ra nhất. Thứ hai là kịch bản thị trường khó khăn: các doanh nghiệp có sự đào thải, một số công ty rời khỏi cuộc chơi tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, nhiều dự án sang tên đổi chủ. Một số dự án tiếp tục bị đình trệ, thị trường đóng băng không có giao dịch. Nếu điều này xảy ra, thị trường cần một thời gian rất dài để phục hồi. Thứ ba là kịch bản thị trường đối mặt với khoảng lặng, không có gì thay đổi, chính sách vẫn được nghiên cứu, nhà đầu tư vẫn cầm chừng, thị trường tự điều tiết, tự dò dẫm để đi lên.
Ông Nguyễn Đắc Nhẫn - Phó Cục trưởng Cục quy hoạch đất đai, Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ TN & MT) cho rằng: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai trở thành công cụ quản lý nhà nước về đất đai hiệu quả, là một trong những giải pháp lớn để sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Để đáp ứng nhu cầu cho phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế, Quốc hội đã cho phép phát triển hơn 1 triệu ha đất phi nông nghiệp. Quỹ đất đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng cơ bản và nhu cầu của các nhà đầu tư trong đó cung cấp cho thị trường BĐS khoảng 5,5 triệu căn hộ trong 10 năm qua. Giải pháp đối với quy hoạch được ông đưa ra là cần đổi mới, nâng cao tính liên kết đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác. Mặt khác cần nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu của thị trường, quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất phải tạo nguồn cung ổn định đồng thời quản lý chặt chẽ và hoàn thiệu hệ thống chính sách pháp luật về đất đai và BĐS đảm bảo tính thống nhất, công khai, bình đẳng.
Ông Nguyễn Văn Hoàng - TGĐ Công ty Quản lý quỹ tín thác đầu tư BĐS VREIT thì nhận định: Việt Nam chưa có tên trong danh sách điểm đầu tư của các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Theo ông, các quỹ đầu tư quốc tế có giá trị từ 1-10 tỷ USD, nhiều quỹ đầu tư gom lại giá trị lên đến hàng ngàn tỷ USD. Hiện thị trường khu vực được quan tâm là Singapore, là Trung Quốc, là Hàn Quốc… Việt Nam chỉ cần thu hút được 1 % nguồn vốn từ các quỹ cũng làm giảm gánh nặng áp lực lên chính phủ và ngân hàng rất nhiều mà dự án khởi động được ngay. Ông cho rằng, thị trường cần tăng cường quảng bá sản phẩm và nhà quản lý phải hoàn thiện khung pháp lý thì mới mong doanh nghiệp trong nước nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, vận hành và có hiệu quả trong thực tế.
Chờ đợi đòn bẩy từ ngân hàng
Ông Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị giải pháp với các bên hữu quan như sau: Về phía nhà nước, bên cạnh giải pháp ngắn hạn như Nhà nước mua những BĐS giá thấp, hình thành các quỹ tiết kiệm BĐS…Nhà nước cần coi trọng chính sách đồng bộ phát triển thị trường đặc biệt là chính sách tài chính, chính sách thuế BĐS.Với doanh nghiệp kinh doanh BĐS thì điều quan trọng nhất là tái cấu trúc danh mục đầu tư phù hợp với quy mô, năng lực. Huy động tối đa nhân lực, vật lực hoàn thiện các dự án dở dang nhằm thu hồi nguồn lực đã đầu tư. Cắt lỗ những dự án không hoàn thành, tập trung nguồn lực chuẩn bị đón chu kỳ mới. Theo ông Chung dự đoán, phải đến năm 2014 thị trường mới hoàn toàn phục hồi.
Ông Trương Chí Kiên - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Him LamThủ đô chia sẻ: Lãi xuất cần thấp hơn nữa, lãi xuất cao sẽ bóp chết tất cả các doanh nghiệp của thị trường và nhà đầu tư trong lúc này. Mặc dù ngân hàng giảm lãi xuất đầu vào và đầu ra nhưng doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này. Đồng ý là bản thân các ngân hàng cũng đang trong quá trình cơ cấu nên có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có đòi hỏi với ngân hàng thay vì tự nguyện vay như trước đây. Điều này phụ thuộc vào chính sách của nhà nước, chính sách tiền tệ nhưng trước mắt, vẫn chưa có tín hiệu đòn bẩy từ ngân hàng nên thị trường vẫn phải chờ đợi. Bên cạnh đó, ông đánh giá thêm: Nhiều nhà đầu tư tiềm năng có động thái đồng thuận chung tay chia sẻ khó khăn, khôi phục thị trường. Thị trường BĐS hiện nay dường như đang ở đáy.
Ninh Toàn