Phải chấm dứt ngay “lò vòng dã chiến” hay lò vòng Hoffman
Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung” cũng như quan điểm chỉ đạo mới nhất của Bộ Xây dựng mới đây đã chính thức đặt “dấu chấm hết” cho một dạng công nghệ mang tên “lò vòng Hoffman” hay còn gọi là “lò vòng dã chiến”.
Theo đó các lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch như than, dầu, khí đều không được phép tiếp tục hoạt động, đương nhiên theo đó cũng không cho cấp phép cho các dự án đầu tư mới. Chỉ những lò nào đang nằm trong vùng quy hoạch sản xuất gạch tuynel thì được phép chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel.
Công nghệ lạc hậu
Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam xung quanh loại công nghệ này. Được hỏi: Một số người cho rằng, đây là loại lò tiết kiệm năng lượng, đầu tư rẻ, giá thành sản xuất hạ, thân thiện môi trường và được đặt tên rất kêu: Lò tuynel công nghệ Hoffman của Đức. Vậy sự thật là thế nào?
Ông Huy cho hay: Lò vòng Hoffman do ông Friedrich Hoffman người Đức chế tạo được cấp bằng sáng chế từ năm 1858, lẽ dĩ nhiên sau 2 thế kỷ, đến nay công nghệ này đã quá lạc hậu. Nhưng trớ trêu thay, so với cái gọi là “lò vòng tuynel công nghệ Hofman” hiện đang có mặt khắp các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Tây Ninh, Ninh Thuận… còn tỏ ra hiện đại hơn nhiều, bởi loại lò vòng từ giữa thế kỷ XIX này còn có nóc để hạn chế mất nhiệt và ô nhiễm.
Thật khó tưởng tượng, bước sang thế kỷ XXI mà vẫn tồn tại một công nghệ sản xuất gạch ngói tạm bợ và lạc hậu đến vậy. Mặc dù lò vẫn có nóc nhưng thực ra là lớp tro xỉ lấp lên khi gạch mộc được xếp vào lò và cào dọn ra khi gạch đã chín. Càng khó hiểu hơn nữa bởi chính tại Việt Nam, cách đây tới 20 năm, người ta đã tiến hành đập bỏ các nhà máy còn sử dụng công nghệ lò vòng có nóc, bởi kèm theo nó là vô số các nhược điểm không thể khắc phục như: Hao tốn nhiệt lớn do ngọn lửa phải chạy quanh vòng lò, ngoài nhiệm vụ đốt nóng nung chín gạch còn phải đốt nóng tường lò dày từ 1,3 - 1,5m; năng suất thấp, gạch không đạt các tiêu chí chất lượng, hiệu quả kinh tế thấp, và đặc biệt là tình trạng lao động chân tay cực nhọc (vận chuyển - xếp dỡ bằng tay trong điều kiện nhiệt độ nóng, khói bụi mờ mịt…). Cũng cần nhắc lại rằng, chính vì nguyên nhân sử dụng công nghệ lạc hậu ấy mà hàng loạt các nhà máy gạch từng nổi tiếng một thời buộc phải dừng hoặc đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất, như: Đại Thanh (Hà Tây cũ), Văn Điển, Từ Liêm, Cầu Đuống, 382 Đông Anh, Đại La (Hà Nội), và xa hơn như ở Hợp Thành - Lạng Sơn, Bồ Sao, Hợp Thịnh, Bá Hiến ở Vĩnh Phú cũ hoặc Gò Công - Hải Phòng, Khả Phong - Hà Nam, Tân Xuyên - Bắc Giang, Cao Ngạn, Phổ Yên - Thái Nguyên.
Thế mà những lò vòng “Hoffman đời mới” đang thịnh hành kể trên có nóc tạo bằng tro xỉ, nghĩa là không đủ độ phủ dày bằng các loại lò chúng ta đã mạnh dạn đập bỏ cách đây 20 năm, nó cho thấy tình trạng hao phí nhiệt năng ở loại lò “giả cầy” này thật sự quá lớn. Chưa hết, với một lượng tro xỉ lớn dùng để lấp lên và cào xuống liên tục thì làm sao không bụi và độc hại, ô nhiễm môi trường làm việc? Việc đẩy được khói thoát lên cao của kiểu lò này cũng cho thấy nhiệt năng hao tổn quá lớn.
Theo ông Đinh Quang Huy, thông thường để ống khói cao khoảng 50m hút được tốt thì nhiệt độ ở đáy ống khói phải khoảng 1500C vì cứ lên cao 1m nhiệt độ khói lại giảm đi từ 1,5 - 20C. Như vậy nhiệt độ khói thoát ra khỏi vùng gạch đang nung đốt phải khoảng 2000C. Điều này trái ngược hẳn với lò tuynel, khói thải ra chỉ khoảng 300C vì hầu hết được quạt đẩy đưa sang lò sấy để tận dụng nhiệt phục vụ việc sấy gạch mộc.
Cần xóa sổ
Với kiểu cách sản xuất tạm bợ nêu trên, ngoài ra không có biện pháp nào khác điều chỉnh thêm nhiên liệu để đảm bảo nhiệt độ nung ổn định…, rõ ràng không thể có chất lượng tốt từ gạch nung giả cầy mượn danh lò tuynel công nghệ Hoffman. Vì vậy, Ông Huy nhấn mạnh: Gọi lò kiểu này với cái tên là “lò tuynel công nghệ Hoffman” là người ta muốn “quàng” thêm cái tên tuynel vào để dễ lẫn lộn với sản phẩm gạch nung từ lò tuynel - một loại lò thông dụng nhất trong sản xuất gạch hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà còn đang thông dụng trên toàn thế giới. Các địa phương và các nhà sản xuất rất cần cảnh giác với những gì người ta tuyên truyền quảng bá cho lò tuynel công nghệ Hoffman để tránh được những hậu quả lợi bất cập hại trong việc đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung.
Một trong những “mồi câu” mà các nhà tư vấn sử dụng để cổ vũ cho lò tuynel công nghệ Hoffman là công bố các chỉ tiêu lợi ích, đặc biệt là việc tiết kiệm vật liệu xây. Xung quanh vấn đề này, ông Huy khẳng định: Thực chất lại không phải như vậy vì kích thước sản phẩm chỉ nhỏ bằng khoảng 70% so với gạch tiêu chuẩn, do đó để đạt được 1m3 xây, số gạch phải dùng tăng lên tới 25 - 30%. Tương đương với đó là các chi phí công trình khác như cát, xi măng, vôi, vữa cũng tăng lên.
Một công nghệ sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, sản sinh ra hàng loạt sản phẩm chất lượng thấp kém quả là một sự lãng phí khủng khiếp. Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã từng khuyến cáo mạnh mẽ tới các địa phương, trong kế hoạch phát triển công nghiệp không nên khuyến khích việc đầu tư mô hình lò loại này mà nên đầu tư các mô hình lò gạch tiên tiến, hiện đại. Đó chính là sự chấp hành thiết thực, có hiệu quả Quyết định số 115/2001 QĐ-TTg ngày 01/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc xoá bỏ sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công.
Nay với Chỉ thị số 10/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và những yêu cầu chỉ đạo mới nhất của Bộ Xây dựng, coi như cuộc tranh luận bấy lâu về “lò vòng dã chiến” đã chấm dứt. Điều đáng nói là những công nghệ phản môi trường tương tự như thế này trong toàn bộ ngành sản xuất VLXD cũng cần được can thiệp một cách mạnh mẽ và dứt khoát dựa trên các cơ sở lập luận khoa học của giới chuyên môn.
Theo Báo Xây dựng