Người chăm xây tháp bằng gạch nung sẵn

Phú Điền- Kiến trúc Chăm pa xăng bằng gạch nung
 
TS Đoàn Ngọc Khôi, người chủ trì cuộc khai quật, cho biết: Quảng Ngãi hiện còn 60 vết tích, phế tích các đền tháp, mộ táng, lò nung, giếng nước, không gian cư trú... của người Chăm. Thành cổ Châu Sa là toà thành có qui mô lớn nằm ở hạ lưu bờ bắc sông Trà Khúc. Thành trải rộng trên bốn xã Tịnh An, Tịnh Châu, Tịnh Thiện và Tịnh Khê huyện Sơn Tịnh, được bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1994. Thành Châu Sa được nhà nghiên cứu H. Parmentier tìm thấy đưa vào tập kiểm kê, có mô tả đền tháp chăm pa ở miền trung Việt Nam từ năm 1924. Thành được đắp chắc chắn bằng loại đất sét pha sỏi laterit có màu đỏ, theo phương pháp dầm nệm từng lớp. Chân bờ thành rộng 25m, bề mặt rộng 5m, cao trung bình 5-6m, dài hơn 4km. Tòa thành dựa trên trục đường giao thông quan trọng nhất là đường thủy kết nối với hai cửa biển quan trọng: cửa Sa Kỳ ở phía bắc và cửa Đại ở phía nam. Cư dân đi qua đường sông vào nội thành Châu Sa thông qua hệ thống hào thành. Cấu trúc thành Châu Sa mở ra hướng bên ngoài. Chính yếu tổ mở này nên thành Châu Sa đã một thời là trung tâm phát triển rất phồn thịnh về giao thương, văn hóa,... Điều này ngày càng thúc giục tôi phải tìm ra những vết tích, di tích còn lại trong nội thành Châu Sa.

Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi phát hiện một khu đất rộng lõm sâu thấp hơn khoảng 1m so với mặt bằng chung trong nội thành Châu Sa. Tìm hiểu khu vực xung quanh, chúng tôi tiếp tục phát hiện nhiều mảnh ngói, gốm... in đậm nết văn hóa Chăm Pa còn vương vãi khắp nơi trên mặt đất. Với những căn cứ thu thập được, chúng tôi quyết định chọn hố thám sát, khai quật thăm dò thì thật bất ngờ một lò nung gạch của người Chăm còn khá nguyên vẹn phát lộ chỉ cách mặt đất sâu khoảng 50cm. Khu di tích này khoảng 1.000m2 bao gồm khu sản xuất gạch ngói, gốm gia dụng, các lò nung gạch ngói... Toàn bộ di tích ở đây còn khá nguyên vẹn, chưa bị xâm hại bởi quá trình canh tác sản xuất của người dân. Sau hố thăm dò này, chúng tôi sẽ xin giấy phép của bộ Văn hóa thông tin và Du lịch để khai quật toàn bộ khu di tích này.
 
Thưa ông, việc phát lộ khu sản xuất gạch ngói của người Chăm cổ tại di tích thành cổ Châu Sa có ý nghĩa như thể nào về giá trị khảo cổ học?
Lâu nay việc sản xuất gạch ngói của người Chăm vẫn là câu hỏi lớn trong lĩnh vực khảo cổ học tại Việt Nam. Nhiều giả thuyết cho rằng các đền tháp Chăm được xây bằng cách sắp xếp gạch thô tao nên các đền tháp sau đó dùng củi để nung. Phát hiện của cuộc thám sát này tại khu sản xuất gạch ngói, đặc biệt là lò nung ngói của người Chăm cổ tại thành cổ Châu Sa đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta: người Chăm đã nung gạch trong lò sau đó mới lấy ra để xây dựng đền tháp.
 
Cấu trúc lò nung của người Chăm cổ trông rất đơn sơ: lò nung gạch dài 3m, rộng 1,8m, bao nung dài khoảng 15cm. Khẩu lò có lỗ thông hơi để không khí vào, bên dưới các viên gạch có lớp cát và than để nhiệt lan tỏa đều làm chín các viên gạch có kích thước dày. Nét đặc biệt của lò nung này là miệng hở, không có ống khói. Nằm sát cách lò nung gạch khoảng 1m, các dãy ngói mỏng hơn (gạch) được bố trí song song nung ngoài trời với lớp than bên dưới, củi đốt bên trên, giữa các viên ngói, người Chăm cổ dùng những viên sỏi cuội lót cho ngói thô không dính nhau, nhiệt từ lớp than bên dưới tỏa ra viên ngói đều hơn. Đặc biệt là phương pháp nung gạch ngói của người Chăm cổ chủ yếu là dùng kỹ thuật đốt ngoài trời chứ không phải nung trong lò kín.
 
Điều này đã cơ bản làm thay đổi nhận thức của các nhà nghiên cứu khảo cổ học về cấu trúc lò nung gạch ngói xây dựng nên đền tháp, thành lũy của người Chăm cổ.
 
Ông trăn trở điều gì nhất khi nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Chăm Pa?
Trong khi nền văn hóa Sa Huỳnh đã được tiếp cận nhiều vấn đề khoa học lớn, thành quả nghiên cứu đạt nhiều thành tựu đáng kể thì văn hóa Chăm Pa dọc các tỉnh duyên hải miền trung vẫn còn dừng lại ở kết quả nghiên cứu quá khiêm tốn so với bề dày của di sản văn hoá vốn có của nó. Do vậy, nhà nước cần quan tâm đầu tư kinh phí, chuyên gia để nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này. Riêng thành cổ Châu Sa đã xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1994, đến nay đã qua 13 năm, thế nhưng chúng ta vẫn chưa có động thái gì để tôn tạo, trùng tu toà thành này. Hiện tại, khu dân cư nằm trong khu vực toà thành cổ Châu Sa có diện tích đất sản xuất nhỏ hẹp nên khi người dân mở rộng không gian di trú sẽ đụng đến di sản.
 
Minh Thu
Báo  Tuổi Trẻ