Vì sao gạch block chưa phát triển mạnh?
Thời gian qua, khi giá gạch xây tăng mạnh, khoảng 3 - 4 lần, thậm chí có thời điểm tăng gấp 5 lần, cũng là lúc trên các diễn đàn về VLXD bắt đầu khởi động cuộc tranh luận về vai trò của vật liệu không nung trong cơn “bão giá”.
Trong khi nhiều nước trên thế giới sản xuất và sử dụng rộng rãi vật liệu không nung để xây dựng nhà ở và các công trình dân dụng, công nghiệp và thương mại mang lại hiệu quả và chất lượng cao, thì ở Việt Nam việc sản xuất và ứng dụng loại vật liệu này còn rất hạn chế.
Xây nhà bằng gạch block
Những ưu điểm của gạch không nung so với gạch nung là vấn đề không còn phải tranh cãi, nhưng tại sao trong nhiều năm qua Việt Nam không chú trọng phong trào vật liệu không nung dù định hướng phát triển chủng loại sản phẩm này đã được Bộ Xây dựng lên chương trình từ nhiều năm trước? Thực ra vấn đề này trong Quy hoạch định hướng phát triển ngành VLXD đã được tính đến từ lâu, nhưng trên thực tế triển khai vào cuộc sống còn chậm trễ. Rõ ràng tại Việt Nam hiện nay, đã có nhiều nhà máy, dây chuyền hiện đại sản xuất các dòng sản phẩm gạch ngói không nung có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Trung Quốc, cũng có rất nhiều công trình cao cấp đã sử dụng sản phẩm vật liệu không nung như khách sạn Horison, Hilton và không ít chung cư cao tầng khác, nên nếu cho rằng gạch không nung không phát triển mạnh bởi không phù hợp với thói quen sử dụng, sở thích của người Việt Nam thì đấy cũng chỉ là một lý do. Vấn đề đặt ra là các nhà sản xuất phải chủ động tính toán và đưa ra được những mẫu mã sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng. Nói như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: “Đúng ra đây là vai trò của nhà sản xuất, họ cần phải tìm các biện pháp để đưa sản phẩm tiếp cận tới thị trường, tới người tiêu dùng”.
Dù vậy, có một sự thật là những năm qua, khi vật liệu đất sét nung có giá bán rẻ, phù hợp với khả năng thanh toán của phần lớn các đối tượng trong xã hội thì đương nhiên việc quảng bá và tiêu thụ VLXD không nung vẫn cứ gặp rất nhiều khó khăn.
Phản ứng với những lo ngại cho rằng, với giá bán tiếp tục còn chênh lệch trong nhiều năm tới, đương nhiên là giá gạch block luôn cao hơn giá bán gạch đất sét nung, thì gạch block vẫn có thể thua dù đã có sự quan tâm chú trọng nhất định của cả DN và các chủ đầu tư, ý kiến của các chuyên gia đầu ngành là: Sự so sánh về giá bán giữa hai dòng vật liệu này trong những năm vừa qua không thể lột tả trọn vẹn bản chất của vấn đề. Những năm qua, gạch ngói tuynel vô tình nhận được nhiều sự “ưu ái” trong cuộc đua này, bởi chi phí tài nguyên đất sét đầu vào, thuế tài nguyên, môi trường vẫn tính thấp so với giá trị thực sự của nó. Đã đến lúc phải có những chế tài mạnh mẽ hơn, quản lý chặt chẽ và nghiêm khắc hơn trong việc hạn chế phát triển vật liệu nung. Khi ấy, gạch nung sẽ tăng giá rất mạnh, và ranh giới cạnh tranh từ trước tới nay giữa hai dòng này sẽ không quá chênh lệch như trước. Nếu điều này làm tốt, gạch block sẽ có điều kiện để cạnh tranh sòng phẳng. Khi các nhà sản xuất gạch block thực hiện thành công việc đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, chủng loại sản phẩm cho phù hợp hơn với thói quen xây dựng của người Việt Nam, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế và tiêu chuẩn xây dựng đã ban hành thì nhất định vật liệu không nung có điều kiện để vượt lên trong cuộc cạnh tranh.
Trong bối cảnh hiện nay, trách nhiệm trên vai các nhà quản lý trong lĩnh vực này rất lớn, các biện pháp điều hành mạnh mẽ, kiên quyết và sáng tạo cần được coi trọng. Nghị định quản lý phát triển VLXD do Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành mới đây đã có những quy định “mở cửa” và thúc đẩy lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng “sạch”. Đó là một lợi thế ! Nhưng với các nhà sản xuất vật liệu không nung, xin một lần nữa nhắc lại quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: “Tôi vẫn muốn nhấn mạnh một điều, họ cần phải sáng tạo, năng động và hiểu nhu cầu thị trường Việt Nam hơn nữa mới mong giành được lợi thế, bởi từ chính những trải nghiệm của mình, tôi biết thành công chỉ thực sự đến khi người ta biết cống hiến hết mình cho sự nghiệp”.