Sự cố Sông Tranh 2: Nghiêm trọng, cần xử lý khẩn trương
(VEF.VN) - Giải pháp hiệu quả nhất với sự số thuỷ điện Sông Tranh 2 là dán lớp màng chống thấm vào mặt thượng lưu, không cần chờ giảm mức nước hồ, nhà máy thủy điện vẫn chạy; và đã được áp dụng thành công nhiều trên thế giới - GS.TSKH Phạm Hồng Giang đề xuất.
Về hiện tượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2, gần đây, Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 đã từng khẳng định "dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đập và toàn bộ lưu lượng được xác định là khoảng 30 l/s không ảnh hưởng đến an toàn, ổn định đập... Hiện tượng nước chảy ra ở ba vị trí hạ lưu đập là các vị trí khe nhiệt chứ không phải khe nứt. 30 khe nhiệt được thiết kế bố trí và thi công đều trên toàn tuyến đập... Các khe nhiệt này xuyên suốt từ phía thượng lưu về hạ lưu" - là chưa thoả đáng.
Hiện tượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2 như được tường thuật trên của báo chí (kể cả các loại báo hình, báo mạng...) là nghiêm trọng và phải được xử lý nghiêm túc và khẩn trương. Dòng thấm phát sinh do mức nước chênh lệch giữa thượng và hạ lưu đập. Cho đến nay, tỷ lệ đập bị mất an toàn do tác động của dòng thấm (trong thân đập và cả trong nền đập) là khá cao trên thế giới.
Không được phép để nước thấm tràn ra mái hạ lưu. Nước thấm trong đập đất thì phải qua tầng lọc trước khi ra phía hạ lưu. Nước thấm trong đập bê tông thì được gom lại trong các hành lang ở thân đập để chuyển xuống hạ lưu theo đường riêng. Dòng thấm xuyên qua đập Sông Tranh 2 chảy tràn ra mái hạ lưu đập phải được khắc phục ngay và triệt để.
Tôi chưa rõ căn cứ từ đâu để cho phép thấm 30 l/s ra mái hạ lưu đập bê tông đầm lăn (là loại bê-tông ít xi-măng được dùng ở nước ta trong khoảng 10 năm nay). Thi công công trình bê tông khối lớn thì đương nhiên phải thức hiện theo từng khối đổ. Tuy nhiên các chỗ tiếp giáp ('khe') bao giờ cũng phải được xử lý chống thấm rất cẩn thận chứ không thể để nước từ thượng lưu xuyên qua đập ra mái hạ lưu.
Giải pháp hiệu quả nhất với công nghệ mới là dán lớp màng chống thấm (geomembrane) vào mặt thượng lưu và thi công trong nước - theo GS.TSKH Phạm Hồng Giang (ảnh bee.net)
Tôi cũng chưa được đọc văn bản chính thức của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) và các cơ quan có trách nhiệm, sau khi xem xét tại hiện trường, xác định nguyên nhân và sơ bộ đưa ra một số biện pháp khắc phục.
Song, qua tin tức đăng trên báo, tôi thấy các cơ quan có trách nhiệm đã làm việc khẩn trương và bước đầu đưa ra những nhận định thẳng thắn. Tuy nhiên, có thể do hạn chế của khuôn khổ tin tức báo chí nên còn có một số câu hỏi mà bạn đọc, nhất là giới chuyên môn, băn khoăn và mong muốn được trao đổi thêm như:
- Liệu việc bỏ sót đường ống dẫn nước trong thân đập có phải là nguyên nhân duy nhất gây ra dòng thấm tràn ra mái hạ lưu?
- Những nhận định: "Có nhiều vết nước rò rỉ xuất hiện không theo trật tự của khe mà theo hình dạng ngoằn ngoèo..." và "không thấy xuất hiện vết nứt ở thân đập (?) và vỏ đập" có mâu thuẫn? "Vỏ đập" chắc được hiểu là mái hạ lưu, còn 'thân đập' là mặt đập. Theo cách hiểu thông thường, thân đập là toàn bộ phần giữa đập, không kể móng đập, thì tuy chưa thể khẳng định có hay không có các "vết nứt" nhưng đã có các "khe" chưa được xử lý mà theo đó nước trào ra mặt hạ lưu (nhận định của Ban Quản lý Thủy điện 3)?
- Biện pháp khắc phục chủ yếu là "thông toàn bộ các ống thu nước trong thân đập bị tắc... ; nếu ống nào không thông tắc được thì khoan bổ sung ngay... ; hoàn thiện rãnh thoát nước trong hành lang thân đập... ", nghĩa là làm thoát nước ở hành lang thân đập. Trong khi vẫn nhận định "lượng nước thấm qua thân đập 30 l/s là lớn... " mà không thấy đề cập đến việc giảm bớt lượng nước thấm. Cũng không thấy nhắc đến chất lượng thân đập... (những trích dẫn trên theo báo Nhân Dân số ra ngày 22/3/202).
Việc bịt các chỗ nước chảy ra mái hạ lưu hiện nay không thể coi là biện pháp đảm bảo chống thấm triệt để, ổn định lâu dài, cho đập bị thấm như thế này. Việc làm thông nước xuống hạ lưu là cũng có thể tiến hành, nhưng nếu chỉ như vậy thì nước thấm sẽ không giảm. Hơn nữa, nếu chất lượng thân đập không đảm bảo thì sẽ gây hậu quả phức tạp. Cần thận trọng khi khoan đục thân đập khi nước còn cao trong hồ.
Theo tôi, cần phải chống thấm từ mặt thượng lưu đập. Do dùng ít xi-măng nên khả năng chống thấm của bê tông đầm lăn bị hạn chế hơn so với bê tông thường. Khả năng chống thấm tại mặt thượng lưu đập bê tông đầm lăn phải được đặc biệt coi trọng, chẳng hạn như ở đập Miel 1 (Columbia), đập bê-tông đầm lăn cao nhất thế giới 188m kể đến trước năm 2007, người ta đã dán lớp màng chống thấm (geomembrane) ngay từ trước lúc tích nước hồ để đảm bảo tuyệt đối không thấm.
Đối với đập Sông Tranh 2, để gia cố chống thấm cho mặt thượng lưu, có nhiều cách giải quyết. Nếu xử lý 'khô' thì phải hạ thấp mức nước hồ, làm khô mái thượng lưu rồi dán màng chống thấm như đã nêu ở trên, hoặc sơn phủ đặc biệt chống thấm, hoặc phụt lớp gia cố chống thấm cho bê tông phía mặt thượng lưu... Tuy nhiên, nếu xử lý khô thì phải hạ mức nước hồ, vừa đòi hỏi thời gian, vừa thiệt điện năng.
Giải pháp hiệu quả nhất với công nghệ mới là dán lớp màng chống thấm (geomembrane) vào mặt thượng lưu và thi công trong nước. Giải pháp này không chờ giảm mức nước hồ, nhà máy thủy điện vẫn hoạt động bình thường và đã được áp dụng thành công cho nhiều trường hợp tương tự trên thế giới, như trường hợp đập bê tông đầm lăn Platanovryssi (Hy Lạp) năm 2002. Đập này cao 95m và có vết nứt nhỏ trên mái thượng lưu và dòng thấm tràn ra mặt hạ lưu với lưu lượng cũng khoảng 30 l/s, tượng tư như lượng thấm ở đập Sông Tranh 2.
(*) GS.TSKH Phạm Hồng Giang là Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (Vncold)