Phát triển gạch không nung: Bỏ quên thị trường nông thôn

 

Vì nhu cầu sử dụng gạch xây chiếm số lượng nhỏ, địa bàn vận chuyển gặp nhiều khó khăn, lao động dư thừa và chỉ sử dụng mức giá bình dân… chính bởi vậy, thị trường nông thôn vẫn bị gạch nung “độc chiếm” hay nói cách khác, người nông dân chưa hề biết đến khái niệm gạch không nung (GKN).

“Gạch không nung? Có nghe nói…”

Ra Tết là thời điểm bắt đầu xây dựng cải tạo nhiều công trình dân dụng. Tuy nhiên, ở nông thôn việc lựa chọn vật liệu xây vẫn là gạch nung truyền thống. Lý giải về sự lựa chọn này, ông Nguyễn Văn Hiệp (một chủ trang trại ở Lâm Thao - Phú Thọ đang chuẩn bị VLXD công trình của gia đình) cho biết: “Người dân nông thôn từ xưa đến nay vẫn quen dùng gạch nung ngay tại địa phương vì giá rẻ, chất lượng tốt và ai ai cũng dùng nên bây giờ bảo thay thế gạch này bằng GKN là rất khó. Hơn nữa, tôi cũng nghe nói về GKN rất phổ biến là xi măng cốt liệu, nhưng muốn tìm mua ở đây cũng chẳng có. Còn đi tận Hòa Bình, Hà Nam để mua mấy vạn gạch về xây nhà thì công vận chuyển còn nặng hơn cả tiền mua”. Những lời tâm sự rất thật của người nông dân này phản ánh một thực trạng phổ biến ở các vùng nông thôn Việt Nam, đó là thói quen sử dụng gạch nung cho xây dựng công trình để từ đó, vẫn có chỗ đứng cho lò gạch thủ công tồn tại. Dẫn đến việc sử dụng GKN vẫn còn quá xa vời và bị bỏ ngỏ.

Thói quen của người nông dân là vậy, nhưng theo giải thích của một số ông chủ nhà máy sản xuất gạch không nung trên cả nước, thì thị trường nông thôn cũng chưa phải là đích ngắm của những ông chủ đầu tư lớn như họ. Theo ông Thuấn - Cty CP gạch nhẹ Phúc Sơn (Hòa Bình) thì: Mục đích ban đầu của hầu hết các Cty gạch nhẹ là các TP lớn với những công trình sử dụng nhiều vật liệu gạch xây chứ không phải là thị trường nông thôn. Bởi nhu cầu sử dụng gạch xây ở nông thôn chiếm một số lượng rất nhỏ và công vận chuyển sẽ rất tốn kém.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại còn rất nhiều lò gạch thủ công vẫn hoạt động. Giá gạch nung thì rẻ. Tại Lâm Thao - Phú Thọ giá phổ biến ở nhiều mức (tùy loại), nhưng vẫn chủ yếu là 700 - 900 đồng/viên gạch 2 lỗ. Đối với gạch tuynel thì đắt hơn là trên dưới 1.000 đồng/viên. Đó là giá tại nơi sản xuất vẫn chưa tính công vận chuyển. Trong khi đó, gạch xi măng cốt liệu (XMCL) tại nhà máy sản xuất ở Hòa Bình, Hà Nam thì có giá từ 980 đồng - hơn 1 nghìn đồng/viên (chưa tính công vận chuyển)… Để thấy rằng, người dân e ngại mua gạch nhẹ tại nhà máy sản xuất là có lý. Thêm đó, nếu tính đến việc đầu tư mỗi vùng nông thôn một nhà máy sản xuất GKN thì e rằng công suất sẽ dư thừa bởi lượng tiêu thụ tại thị trường nông thôn là quá ít và đó cũng nằm ngoài khả năng tính đến của các ông chủ đầu tư cho loại vật liệu này.

Sản phẩm nào cho nông thôn?

Nếu tính về điều kiện thuận lợi để phát triển loại gạch block XMCL thì gạch này có mặt trên thị trường từ lâu, thuận lợi về nguyên liệu với nguồn đá mạt, xỉ lò, tro bay… Còn gạch bê tông nhẹ như AAC mới đi vào sản xuất, chưa được thị trường biết đến nhiều và giá cả lại đắt hơn so với gạch nung truyền thống. GKN chưa thực sự được sử dụng rộng rãi ở vùng nông thôn chứ không phải là chưa xuất hiện ở đây. Bởi từ rất lâu, gạch ba-banh (cũng là một loại gạch XMCL) được người dân tự sản xuất để xây dựng tường rào là chủ yếu. Hiện nay, loại gạch này được chú ý sản xuất hơn với nguyên liệu như đá, xi măng, cát… nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên vì kích thước chưa phù hợp và chất lượng chưa được kiểm định nên sản phẩm này vẫn chưa được sử dụng cho xây nhà hay công trình kiên cố. Thêm đó, giá thành bán cũng đắt hơn so với gạch nung…


GKN tại các nhà máy chưa hướng đến thị trường nông thôn.

Đối với vùng miền núi, vùng sâu vùng xa được đánh giá là có tiềm năng lớn để phát triển GKN bởi nguyên liệu sẵn có. Như ở Bắc Kạn mới đây đã nghiên cứu thành công Dự án Ứng dụng công nghệ va - rung để sản xuất gạch không nung trên cơ sở sử dụng vật liệu tại chỗ phục vụ chương trình xoá nhà tranh tre nứa các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa do Sở Xây dựng chủ trì thực hiện được UBND tỉnh phê duyệt, cấp kinh phí để thực hiện Dự án trong năm 2010 và năm 2011. Thực tế sản xuất thử nghiệm tại Bắc Kạn cho thấy, sản phẩm GKN đảm bảo tính trơn bóng, giữ nguyên kích thước về chiều dài, rộng; màu sắc đạt 70 - 80% so với màu sắc tự nhiên của đất nơi chọn, đây là điểm mạnh mà gạch nung không thể có. Sau khi đông cứng, sản phẩm không thấm nước có thể áp dụng cho các công trình bể chứa nước mà không cần trát áo. Sản phẩm GKN đã đáp ứng được các yêu cầu của vật liệu dùng để xây dựng nhà ở riêng lẻ với cấp công trình là cấp 4. Để sản xuất ra một viên GKN, giá thành sản xuất chỉ có 720 đồng/viên, tiết kiệm hơn so với gạch thông thường.

Nhu cầu sử dụng gạch xây ở nông thôn chưa thật lớn so với thị trường thành phố, tuy nhiên, người dân vẫn phải xây dựng hàng năm. Vậy làm sao có thể xóa bỏ lò gạch thủ công, hướng người dân dần sử dụng GKN cho công trình của mình là một câu hỏi đặt ra cho các cơ quan chức năng địa phương cũng như đối với nhà sản xuất. Một mặt kiên quyết phá bỏ lò gạch thủ công, nhưng thay vào đó, địa phương cần phải tạo điều kiện hỗ trợ hướng dẫn để chủ lò gạch thủ công hay hướng các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất GKN với công suất nhỏ, đầu tư vừa phải… nhằm phục vụ nhu cầu tại chỗ cho thị trường đầy tiềm năng này. Làm được như vậy, sẽ giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành, tận dụng nguyên liệu địa phương để tạo nên sản phẩm với chất lượng và giá cả cạnh tranh với gạch nung truyền thống. Có như thế, người dân mới dần làm quen với việc sử dụng GKN.

Hiện tại, ở miền Bắc đang có 24 nhà máy đang sản xuất hoặc chuẩn bị đầu tư sản xuất gạch xi măng cốt liệu. Nhưng các nhà máy này mới chỉ tập trung ở các tỉnh như Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An. Các nhà máy này có tổng công suất thiết kế là 890 triệu viên/năm nhưng phục vụ chủ yếu cho địa phương và TP lân cận.

Đối với gạch AAC thì các nhà máy vẫn chủ yếu tập trung ở Lâm Đồng, Long An, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội.

Gạch Bê tông bọt có 17 cơ sở đang sản xuất được đóng tại TP.HCM, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Gia Bảo (BaoXayDung)