Ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp-làng nghề ở Quảng Ngãi
Đến tháng 6/2012 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 15 cụm công nghiệp - làng nghề. Việc quản lý, đầu tư cơ sở hạ tầng ở các cụm công nghiệp - làng nghề ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, gây bức xúc cho người dân tại các địa phương.
Cụm công nghiệp Đồng Dinh, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đi vào hoạt động từ năm 2006. Đến nay, đã có 8 doanh nghiệp đầu tư vào đây nhưng chỉ có một vài doanh nghiệp hoạt động; cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu hệ thống thoát nước... Không có hệ thống xử lý nước thải nên các doanh nghiệp đều xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Ông Phan Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Cụm công nghiệp - làng nghề Đồng Dinh cho biết: Theo quy hoạch có hệ thống nước thải chung cho toàn cụm công nghiệp, có hệ thống cống thoát nước dọc, thoát nước ngang nhưng thực tế đến nay vẫn chưa có nguồn vốn đầu tư. Do đó việc gây ô nhiễm môi trường là điều tất nhiên nhưng chưa xử lý được.
Tại Cụm công nghiệp - làng nghề Bình Nguyên, huyện Bình Sơn đã hình thành và đi vào hoạt động gần 8 năm, đã có 5 doanh nghiệp hoạt động. Cụm công nghiệp-làng nghề này nằm sát khu dân cư. Vì vậy, khi Nhà máy hoạt động đã gây tiếng ồn, bụi, nước thải ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Điển hình trong số này là Nhà máy sản xuất tấm lợp Fibrocement và ngói xi măng của Công ty Cổ phần Quảng Phúc. Dù đưa vào hoạt động tháng 6/2009 nhưng Công ty không thực hiện đầy đủ các yếu tố đảm bảo môi trường trong và ngoài cụm công nghiệp. Ông Nguyễn Đức Nhân ở thôn Châu Tử, xã Bình Nguyên, bức xúc: Hằng ngày, hàng chục xe tải, xe hàng ra vào cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hơn 2ha đất nông nghiệp thuộc đồng Cây Bún của 23 hộ dân ở xóm 16, thôn Châu Tử (Bình Nguyên) cũng bị ảnh hưởng bởi nước thải từ các nhà máy trong cụm công nghiệp, người dân làm đồng có biểu hiện bị ngứa chân tay, mắc một số bệnh ngoài da; năng suất lúa, cây trồng khác xung quanh cụm công nghiệp giảm rất nhiều so với trước. Người dân địa phương đã nhiều lần phản ứng và gửi nhiều kiến nghị lên cấp trên có hướng xử lý, nhất là buộc các doanh nghiệp vi phạm phải dừng hoạt động nhưng chẳng thấy động tĩnh gì.
Còn tại Đức Nhuận, huyện Mộ Đức được xem là địa phương có số lò gạch thủ công nhiều nhất Quảng Ngãi. Hiện trên địa bàn xã có gần 60 lò gạch thủ công đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở thôn 3 và thôn 4. Khi đến làng nghề này mới thấy được mức độ ô nhiễm của những lò gạch nơi đây.
Lò gạch nằm sát nhà dân
Bước vào làng nghề sản xuất gạch cảm nhận đầu tiên là không khí ngột ngạt, khó thở bởi mùi than đá từ các lò gạch, khói thải ra từ các lò đốt cùng bụi bặm bốc lên của những chiếc xe tải mỗi khi chạy qua. Điều đáng nói, làng gạch Đức Nhuận này nằm sát khu dân cư nên thời gian qua người dân nơi đây kiến nghị xử lý. Bà Bùi Thị Hay (74 tuổi), thôn 4, xã Đức Nhuận cho biết, làng gạch Đức Nhuận tồn tại hàng chục năm nay, người dân nơi đây sống trong khổ sở vì ô nhiễm môi trường. Mỗi khi các lò gạch này đốt lò, khói bụi và mùi than đá khiến nhiều người như muốn ngạt thở. Nhà cửa lúc nào cũng bụi bám đầy, nhiều bữa ăn phải đóng cửa...
Năm 2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công khai danh sách 11 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với các ngành liên quan tiến hành xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ông Lê Mỹ Liên, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Sở sẽ tập trung và kiểm tra các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đó, những cơ sở nào gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vượt quá tiêu chuẩn nhiều lần thì đưa vào danh mục đề nghị cơ sở, doanh nghiệp có biện pháp khắc phục, nếu tái phạm sẽ đề nghị xử lý đình chỉ hoạt động./.
Theo TTXVN