Lò gạch thủ công: Khói, bụi và những hệ lụy xã hội

Việc gây ô nhiễm môi trường của các lò gạch thủ công là rõ ràng, nhưng chính quyền vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để

Từ năm 2001, Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã định hướng: Tổ chức lại sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng ở các địa phương nhằm giảm tối đa việc sử dụng đất canh tác vào xây dựng các lò gạch thủ công, gây ô nhiễm môi trường. Từng bước phát triển gạch không nung ở những vùng không có nguyên liệu nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở ven các đô thị trước năm 2005, ở các vùng khác trước năm 2010.

 

Lò gạch thủ công gây tác động xấu đến môi trường

 

Ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020, tiếp tục mục tiêu, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công. Thực tế ở Nghệ An cho thấy, lộ trình xóa lò gạch thủ công là hết sức cần thiết. Tuy nhiên…

Cây và người "ngất ngư" vì lò gạch

Gần chục lò gạch thủ công nằm san sát nhau dọc sông Kẻ Gai, giáp ranh giữa xã Hưng Đông (thành phố Vinh) và xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên) đang tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của nhân dân 2 địa phương này. Người dân 2 xóm Trung Mỹ và Trung Thành, xã Hưng Đông đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền nhưng không có chuyển biến gì và các lò gạch vẫn thi nhau nhả khói.

Cách ngôi nhà của gia đình ông Trần Văn Ngọ, xóm Trung Thành vài chục bước chân có 2 lò gạch thủ công hoạt động. Ông Ngọ rất bức xúc: “Khói từ các lò gạch xả ra mang theo hơi nóng khiến các loại cây trồng khó có thể sống được. Khu vườn rộng hơn 4 sào của gia đình tôi trước đây trồng đủ loại rau màu nhưng bây giờ không trồng được gì cả, chỉ còn một vạt chuối cháy héo hết cả lá, khoảnh rau muống được thúc đạm thường xuyên cũng không ăn thua. Ở đây, khói và bụi từ lò gạch tràn xuống cả giếng ăn nên nước giếng có mùi khét khói, mặc dù biết là dùng giếng khơi tốt hơn giếng khoan nhưng trong điều kiện như thế này, các hộ dân ở đây đành lấp giếng khơi để đào giếng khoan dùng”.

Trước đây, ở cùng gia đình ông Ngọ còn có hơn hai chục gia đình, nhưng rồi hộ nào có điều kiện là họ tìm cách đi khỏi nơi này, mặc dù đây là mảnh đất đã gắn bó bao đời nay với họ. Hiện chỉ còn 12 nóc nhà. Ông Ngọ cho biết, đã có 4 người bị bệnh ung thư phổi qua đời và nhiều người mắc bệnh đường hô hấp. Người thì ngạt thở, cây thì trồng mà không có thu hoạch, lúa ngoài cánh đồng cũng giảm năng suất, có mùa bị mất trắng. Ruộng lúa nhà ông Ngọ vụ nào lò gạch không đốt đạt năng suất 3 tạ/sào, còn khi lò gạch đốt thì cũng chỉ đạt trên dưới 2 tạ một chút, có khi mất hoàn toàn.

Khác với ông Ngọ, nhà ông Nguyễn Văn Hùng, ở xóm Trung Mỹ, mặc dù cách xa hàng trăm mét nhưng mỗi lần gió nổi lên, mùi khói, mùi than từ lò gạch cũng khiến các hộ dân rất khó chịu.

“Mỗi lần các lò gạch thi nhau đốt, nhả khói bụi, sự ảnh hưởng đối với sức khỏe của người dân và năng suất cây trồng là rất lớn. Do việc lấy đất làm gạch đào quá sâu khiến nhiều bờ mương bị lở, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho ruộng lúa. Người dân đã kiến nghị với xã, với thành phố nhiều lần về những tác động tiêu cực từ phía các lò gạch thủ công, nhưng kết quả cuối cùng vẫn chỉ mới dừng lại ở cam kết của các chủ lò gạch là không đốt lò vào thời điểm lúa lên 2 lá non và thời kỳ lúa làm đòng. Dù đã có cam kết, nhưng ở thời điểm giá gạch lên cao, các chủ lò gạch vẫn cứ đốt lò và chấp nhận bồi thường sản xuất cho nhân dân, nhiều lần phải bồi thường 100%”. Ông Hùng bức xúc: “Về sản xuất là vậy, còn đối với sức khỏe của nhân dân thì ai bồi thường và chịu trách nhiệm?”.

Ở xã Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc), thời điểm cao nhất có 18 lò gạch thủ công hoạt động, không chỉ người dân trong xã mà người dân xã Nghi Phương kề bên cũng không chịu nổi.

Bà Cao Thị Hương, ở xóm 1, xã Nghi Phương cho biết: “Các lò gạch ở xã Nghi Hoa đã tồn tại hàng chục năm nay gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của người dân. Khi có gió Đông và Nam, khói, bụi và mùi than từ các lò gạch bay trùm lên 2 xóm 1 và 2 của xã Nghi Phương”. Gia đình bà Hương có 2 thửa ruộng, một ở sát lò gạch, một ở xa tránh được hướng gió của lò gạch, năng suất lúa khác hẳn. Thửa ở cạnh lò gạch chỉ đạt 80kg đến 1 tạ/sào, thửa khác thì trên 2 tạ/sào.

Ông Nguyễn Văn Hương, Chủ tịch UBND xã Nghi Hoa, thừa nhận: “Việc gây ô nhiễm môi trường của các lò gạch thủ công trên địa bàn xã là rất rõ ràng, ảnh hưởng trực tiếp đến những người tham gia giao thông trên tỉnh lộ 534 và nhân dân xóm 1, xóm 2, xã Nghi Phương; xóm Vận Tải xã Nghi Hoa. Khói và hơi nóng từ các lò gạch đã làm một số diện tích lúa của nhân dân bị cháy sém. Người dân đã kiến nghị lên các cấp chính quyền yêu cầu xóa bỏ loại lò gạch này, bởi ngoài ảnh hưởng đến môi trường, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị khai thác đã trở thành ao đầm sâu không thể canh tác được gì. Nếu cải tạo lại cũng rất khó, chỉ có thể nuôi trồng thủy sản…”.

 

Những lò gạch thủ công vẫn ngày đêm xả khói

 

Hàng trăm ha đất tốt trở nên hoang hóa

Thực tế ở Nghệ Anh, việc duy trì sản xuất lò gạch thủ công đã biến hàng trăm ha đất nông nghiệp có hàm lượng chất đất tốt sang dạng hoang hóa. Riêng xã Hưng Đông (thành phố Vinh) có khoảng trên 10 ha và xã Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc) là trên 15 ha.

Ông Doãn Trí Tuệ, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phân tích: “Đất để làm gạch nung phải là đất sét. Tuy nhiên, đất vùng này sản xuất lúa rất tốt. Với hàm lượng chất đất tốt, giống tốt cộng với trình độ thâm canh cao như hiện nay, nếu trồng lúa thì bình quân mỗi ha sẽ thu hoạch 11 - 12 tấn/2 vụ/năm, tương đương 65 - 73 triệu đồng/ha/năm. Nếu vừa trồng lúa, vừa chăn nuôi, nuôi thủy sản thì giá trị thu nhập sẽ tăng 10 - 15% so với trồng lúa. Còn nếu sản xuất gạch, tuy thu nhập cao hơn, khoảng 1 - 2 tỷ đồng/ha, tùy thuộc vào tầng đất sét khai thác 1m hoặc 2m (bằng 10 - 20 năm sản xuất lúa hoặc sản xuất lúa kết hợp với chăn nuôi), nhưng diện tích sản xuất gạch chỉ sử dụng có một lần, sau chủ yếu là bỏ hoang, còn sản xuất lúa là mãi mãi, từ đời này sang đời khác. Nguy hiểm hơn là mất đi diện tích trồng lúa, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Chính vì thế, Chính phủ đã nghiêm cấm không sử dụng đất trồng lúa vào sản xuất gạch”.

Cũng theo ông Tuệ, hiện nay có rất nhiều công nghệ sản xuất gạch tiên tiến hoạt động rất có hiệu quả nên không nhất thiết phải duy trì lò gạch thủ công, rất cổ, rất xưa và rất lạc hậu trong thời đại hiện nay. Ảnh hưởng lớn nhất từ các lò gạch thủ công, đó là môi trường và sức khỏe của nhân dân.

Ông Bạch Hưng Cử, Trưởng phòng Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An khẳng định: Lò gạch thủ công đã và đang gây tác động rất xấu đến môi trường. Hãy làm một phép tính: Trung bình mỗi lần đốt, một lò thủ công có công suất từ 5.000 - 8.000 viên gạch, sẽ tiêu hao ngót nghét hàng chục tấn than, con người sẽ phải hít thở rất nhiều khí độc, dẫn đến các bệnh về phổi, hen và liên quan đến đường hô hấp. Việc sử dụng củi để đốt lò còn dẫn đến khai thác rừng làm giảm độ che phủ của rừng và việc đốt lò sẽ thải một lượng CO2 lớn, đó là một trong các nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Đó còn là việc sử dụng tài nguyên đất không hợp lý, gây lãng phí rất lớn. Do vậy, cần phải xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn, đó là một yêu cầu bức thiết hiện nay. Rất cần có một thái độ kiên quyết và thống nhất của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ”./.

V.Thành - M.Hoa 

Báo TNVN