Việc đóng cửa các lò gạch thủ công là thực sự cần thiết bởi đó là nguồn gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, nhất là ở khu vực nông thôn.
Thực hiện quyết định trên các địa phương đã dần xoá bỏ lò gạch thủ công, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, những các lò gạch ở huyện Bình Sơn vẫn đỏ lửa, “nhả” khói và "ăn" tài nguyên đất. Việc thực hiện được mục tiêu này là điều không dễ dàng và còn những vấn đề đặt ra cần được quan tâm.
Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết, vừa qua Phòng đã tiến hành phối hợp với UBND các xã làm việc với các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công để xác định việc thực hiện quy định của Nhà nước và hướng dẫn, giới thiệu các mô hình chuyển đổi sản xuất theo công nghệ mới. Hiện nay, toàn huyện còn tồn tại 07 lò gạch thủ công; trong đó xã Bình Minh 02 lò, Bình Trung 04 lò và Bình Nguyên 01 lò, với tổng lao động trên 82 người, phần lớn các lò sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn các xã phía Tây huyện. Nhưng chỉ chung các lò gạch hiện nay hoạt động cầm chừng vì gặp không ít khó khăn như: nguồn nguyên liệu thiếu, đầu ra không ổn định và mẫu mã thiếu sức cạnh tranh. Còn nếu giải thể thì các chủ cơ sở gặp phải khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nghiệp và giải quyết công ăn việc làm cho số lao động đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Qua tìm hiểu thực tế và tiếp xúc với các chủ lò, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến từ phía các chủ lò với mong muốn có cơ chế chính sách cụ thể cho việc hỗ trợ chuyển sang sản xuất gạch theo công nghệ mới, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Việc hỗ trợ ở đây không chỉ cho vay về vốn mà quan trọng giới thiệu cho họ những công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn cho phép (ngoài công nghệ sản xuất gạch tuynel), phù hợp với khả năng tài chính của họ. Còn một số cơ sở ở xã Bình Nguyên, Bình Trung cho biết là không có khả năng chuyển đổi mô hình sản xuất mới, ngừng hoạt động, thì các chủ cơ sở mong muốn được Nhà nước quan tâm có cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
Có thể nói, hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công trong những năm qua ở huyện Bình Sơn đã góp phần, giải quyết việc làm cho lao động tại các địa phương. Xoá bỏ các lò gạch thủ công là chủ trương đúng nhưng bài toán hậu dỡ bỏ phải được các địa phương tính đến, đó là kế hoạch ổn định kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vốn chủ yếu sống nhờ vào sản xuất gạch. Không thể phủ nhận vai trò của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng thủ công, song việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết, do đó Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất hợp tác, đầu tư công nghệ, khai thác hợp lý và có kế hoạch nguồn nguyên liệu, góp phần bảo vệ môi trường và sức khoẻ nhân dân. Việc kiên quyết giải toả, tháo dỡ và dừng hẳn các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên đất đai là chủ trương đúng, tạo tiền đề để thực hiện có hiệu quả chiến lược quy hoạch và phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng bền vững và hiện đại. Vì thế, cùng với các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò trong việc kiểm tra, kiên quyết giải toả, tháo dỡ, xoá bỏ các lò gạch ngói thủ công./.
|