Doanh nghiệp thép thu hẹp sản xuất

 

Các doanh nghiệp lớn ngành thép đang nỗ lực tiết giảm sản lượng, sắp xếp lại sản xuất nhằm vượt qua giai đoạn bán hàng khó khăn hiện nay.

Rất thẳng thắn khi nhìn nhận về các tác động bên ngoài ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của ngành thép, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư vào đầu tuần này, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho rằng, khó khăn của ngành thép do giảm đầu tư công là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản lại đang chịu những tác động xấu và dự đoán phải vài năm nữa mới có thể phục hồi.

 

 

 

Nhiều doanh nghiệp còn tồn đọng hàng trăm tấn thép.

 

Trong khi kinh tế trong nước khó khăn, thì tình hình thế giới cũng không sáng sủa gì. “Giá thép thế giới giảm, giá nguyên liệu cũng giảm, sản lượng và nhu cầu đều giảm và nguy cơ thừa thép là có thật”, ông Dương nói.

Chính bởi vậy, dù là nhà sản xuất thép lớn tại Việt Nam, với doanh thu từ thép đang chiếm khoảng 50% doanh thu của toàn Tập đoàn, nhưng ông Dương thừa nhận, “doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải học cách mà thế giới đang làm”. Theo đó, HPG đã quyết định tiết giảm sản xuất, chỉ hoạt động 80% công suất để giảm tồn kho, đồng thời đưa ra các giải pháp để giảm tiêu hao năng lượng, nguyên liệu nhằm tiết kiệm tài chính trong điều kiện tín dụng thắt chặt, bán hàng giảm sút hiện nay.

Giảm sản xuất cũng được các DN thép lớn khác áp dụng. Ông Nghiêm Xuân Đa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam – Công ty cổ phần (VNSteel) cho hay, trong 10 tháng qua, VNSteel sản xuất được khoảng 1,9 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2010, còn tiêu thụ giảm gần 4%. Trong hệ thống của VNSteel, đã xuất hiện tình trạng lỗ ở một số DN.

 

Tiêu thụ thép xây dựng giảm mạnh, gây khó cho các doanh nghiệp sản xuất.

Thừa nhận thực trạng này, đại diện của Pomina Group, nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất ở miền Nam cho hay, nhu cầu của thị trường phía Nam hiện chỉ bằng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có DN chỉ hoạt động 20 ngày/tháng, do không bán được hàng.

 

Bên cạnh đó, việc hàng tồn kho quá lớn, nguy cơ phá sản ở những DN không có khả năng tìm kiếm vốn trong điều kiện tín dụng căng thẳng, vay vốn khó khăn hiện nay cũng được nhắc tới. “Chưa có DN thép nào phá sản, nhưng đã có nhiều DN thép đình đốn sản xuất; nếu tình hình xấu tiếp diễn, sẽ có nhiều DN phải đóng cửa”, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cảnh báo.

Trên thực tế, đã có những DN sản xuất phôi thép hoạt động rất cầm chừng như lò cao của Công ty Thép Vạn Lợi hay Nhà máy Phôi thép Đình Vũ, bởi thiếu nguyên liệu và không đủ tài chính để mua quặng, phục vụ sản xuất phôi.

Việc tìm thị trường xuất khẩu cho các DN thép cũng không dễ dàng. Hiện tại, sản phẩm thép Việt Nam đã được xuất khẩu sang một số nước, như Indonesia, Mỹ, Canada, nhưng để trụ vững tại các thị trường này cũng không dễ. Ông Lê Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Ống thép Việt Đức cho hay, tại thị trường Mỹ, sản phẩm ống thép của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của các nước như Ấn Độ, Oman...

Đại diện Công ty TNHH Thép Posco Việt Nam cho biết, Posco Việt Nam có tính đến việc xuất khẩu thép sang các thị trường trong khu vực, nhưng các nước này đưa ra nhiều hạn chế, như hàng rào chất lượng, thuế nhập khẩu, thuế chống bán phá giá để bảo vệ sản xuất trong nước. Chẳng hạn, ngoài các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng phải đạt theo quy định, Thái Lan, Indonesia và Malaysia còn đưa ra mức thuế nhập khẩu đối với thép cán nguội lần lượt là 5%, 10% và 20-50%.

“Việt Nam cũng nên xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật để hạn chế tình trạng đổ bộ của các sản phẩm thép từ các nước khác, gây khó khăn cho sản xuất trong nước trong điều kiện hiện nay”, đại diện Công ty Posco Việt Nam kiến nghị.

Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, không thể tăng giảm thuế liên tục, bởi như vậy sẽ càng làm rối định hướng hoạt động của các DN. Trên thực tế, tăng thuế nhập khẩu thép từ các nước ASEAN sẽ không có nhiều tác dụng, bởi khung thuế này theo cam kết đã ở mức thấp. Hơn nữa, việc tăng thuế phải chỉ ra rõ ràng là với mặt hàng nào, tăng bao nhiêu, chứ không nên nói chung chung. Ngoài ra, để hỗ trợ DN đối phó với các vụ kiện thương mại, Vụ Chính sách thuế cũng khuyến nghị DN nên hợp tác tốt với các cơ quan hữu trách để xem xét các yêu cầu, kiện chống bán phá giá có vi phạm cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay không, thay vì tự mình chống đỡ vì sợ bị ảnh hưởng tới bán hàng.

(Theo Dautu)