Cần có chiến lược sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh - Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam: Để có chiến lược về chính sách sử dụng tiết kiệm hợp lý nhất tài nguyên khoáng sản, cần nhìn nhận và đánh giá tài nguyên khoáng sản của nước ta trong bối cảnh khoáng sản thế giới.
Nước ta có tới 40 chủng loại từ khoáng sản năng lượng, khoáng sản không phải kim loại, VLXD đến khoáng sản kim loại. Nhưng không giàu về tài nguyên khoáng sản vì hầu hết các khoáng sản ở Việt Nam có trữ lượng không lớn, lại phân bổ tản mát thiếu tập trung. Chẳng hạn loại khoáng sản năng lượng như dầu khí, nếu không phát hiện thêm trữ lượng thì với sản lượng khai thác như hiện nay chỉ vài ba chục năm nữa sẽ hết nguồn khai thác. Còn than ở đất liền cũng đã cạn kiệt dần, đang và sẽ phải nhập khẩu mới bảo đảm được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Nguồn than nằm dưới sâu Đồng bằng sông Hồng có trữ lượng lớn tới vài trăm tỷ tấn, nhưng vấn đề công nghệ trong khai thác rất phức tạp chưa giải quyết được, nếu khai thác sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường và an sinh xã hội, trong khi tiềm năng urani và địa nhiệt của nước ta không đáng kể. Về loại khoáng sản không kim loại và VLXD tuy có nhiều nhưng chỉ sử dụng trong nước, do không có giá trị kinh tế cao và trên thế giới nhu cầu về loại khoáng sản này không nhiều. Loại khoáng sản kim loại như vàng, bạc, đồng, chì, kẽm... của nước ta có rất ít, không đáp ứng được các nhu cầu trong nước trong thời gian tới. Những loại khoáng sản quý này trên thế giới cũng đang cạn kiệt dần. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm có một chiến lược về chính sách sử dụng tiết kiệm hợp lý nhất tài nguyên khoáng sản của đất nước, để bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ hiệu quả môi trường, an sinh xã hội. Trước mắt, phải giảm thiểu tiến tới xóa bỏ tình trạng xuất khẩu thô tiểu ngạch các loại khoáng sản đồng, chì, kẽm, antimon, than... dẫn đến cạn kiệt tài nguyên khoáng sản của đất nước.
Như Ý