Bàn cách “giải nguy” cho VLXD
Làm rõ “bức chân dung” về tình trạng tồn kho VLXD cũng như bàn biện pháp khắc phục thực trạng bi đát này chính là trọng tâm buổi làm việc ngày 28/8 giữa Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam với đại diện các hội và hiệp hội ngành nghề sản xuất VLXD, các DN lớn của ngành sản xuất VLXD Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu: Sản xuất xi măng, gạch ngói gốm sứ, tấm lợp, kính xây dựng…
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Vấn đề lúc này là cần tỉnh táo, bình tĩnh để suy xét gốc gác của mọi khó khăn.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng mong muốn nhận được sự tham mưu góp ý kiến “giải nguy” cho ngành sản xuất VLXD từ phía các tổ chức ngành nghề cũng như các DN trực tiếp sản xuất, qua đó đẩy mạnh việc tăng cường hợp tác giữa hai phía quản lý nhà nước và các hội, hiệp hội, tiến tới xây dựng một quy chế phối hợp hoạt động thực sự hữu hiệu và phát huy vai trò của nó trong đời sống xây dựng.
“Được lời như cởi tấm lòng”, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Huynh ngay lập tức đưa ra bảng danh mục đề xuất kiến nghị lên tới 8 vấn đề trọng điểm đang gây cản trở sự phát triển của DN VLXD. Ông Huynh cho rằng, về lâu dài phải giải quyết 8 vấn đề này mới thực sự chấm dứt tình trạng dư thừa VLXD. Có thể điểm qua những điểm chính như: Đề nghị Nhà nước có chính sách kích cầu sản xuất VLXD; Công trình Việt Nam phải sử dụng hàng VLXD sản xuất tại Việt Nam; Tăng cường thúc đẩy việc xây dựng hành lang pháp lý phát triển đường giao thông bê tông xi măng…
Đồng tình với TS Trần Văn Huynh, ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng cần đột phá nhiều điểm về cơ chế chính sách nhằm kích cầu VLXD. Ông Huy đưa ra những con số đáng báo động như: Hiện tại toàn ngành gạch ốp lát mới khai thác khoảng 70% công suất nhưng vì sức mua sụt giảm nên tồn kho lên đến 1,2 - 1,3 triệu m2/tháng (tương đương với công suất cả năm của một số dây chuyền gạch ốp lát). Sứ vệ sinh cũng tồn kho hơn 1 triệu sản phẩm, gấp 2 lần mức tồn kho bình thường. Hiện nay tổng lượng tồn kho của toàn ngành lên đến 3 nghìn tỷ đồng.
Ngành Xi măng dường như là mảng sáng nhất trong “bức chân dung” về tồn kho VLXD hiện nay. Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay, đến hết 8 tháng đầu năm, tiêu thụ giảm từ 8 - 10% so với cùng kỳ 2011 trong khi sản xuất giảm 5%. Còn ông Nguyễn Ngọc Anh - Tổng giám đốc TCty VICEM cũng đưa ra thông tin phần nào khả quan: Sau 8 tháng VICEM chỉ tồn kho khoảng 80 nghìn tấn clinker, tính cả tồn kho xi măng mới là 1,1 triệu tấn. Tiêu thụ đạt 95% công suất thiết kế. Điều may mắn nhất lúc này là VICEM không bị lỗ dù phải trả nợ đầu tư đến hạn là 4.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đối ngược với xi măng là một “gam màu” vô cùng buồn thảm của ngành sản xuất kính và gia công kính xây dựng. 4 nhà máy kính nổi hiện có tổng lượng hàng tồn kho tương đương 5 tháng sản xuất, cá biệt có nhà máy tồn kho tương đương 7 tháng sản xuất. Mảng kính cán in hoa còn bi đát hơn, tới 3 trên tổng số 4 nhà máy buộc phải đóng cửa khiến tổng sản lượng sản xuất từ 540 tấn thủy tinh lỏng/ngày giảm xuống còn 80 tấn/ngày. Tại thị trường nội địa, kính nguyên liệu chỉ còn 10% thị phần. Các DN gia công kính giảm tới 20% số lượng lao động, có những DN gia công kính chỉ hoạt động 1 ngày/tháng, có DN từ đầu năm đến giờ không sản xuất ngày nào vì không có đầu ra…
Ngành tấm lợp cũng chỉ tiêu thụ 70% sản lượng, đó là báo cáo của Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp - ông Lê Đình Tư. Và điểm chung nhất trong hầu hết kiến nghị của đại diện các hội, hiệp hội, các DN sản xuất VLXD đều xoay quanh những trục chính như: Đề nghị giảm thuế cho DN sản xuất, tăng thuế xuất nhập khẩu đối với những mặt hàng trong nước đã sản xuất tốt chứ không duy trì mức thuế thấp khiến các DN nước ngoài hoặc DN thương mại dễ dàng hưởng lợi từ chính sách; hoặc nghiên cứu áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật bảo hộ sản xuất trong nước; hoặc có chính sách kích cầu VLXD hợp lý như đề nghị Chính phủ đẩy mạnh triển khai chủ trương công trình Việt Nam sử dụng VLXD Việt Nam...
Cả Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng và Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đều ủng hộ những kiến nghị hợp tình hợp lý của DN VLXD. Bên cạnh việc biểu dương ngành Xi măng và các DN thuộc VICEM hết sức cố gắng trong triển khai đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, Thứ trưởng Nam cũng chỉ ra một số nhược điểm từ chính nội tại của DN VLXD như sức cạnh tranh kém, tình trạng hạ giá hay cố tình bán phá giá dẫn đến “cả làng” bị đẩy vào thế nguy hiểm… Tới đây Bộ Xây dựng sẽ cử đoàn cán bộ đi khảo sát kiểm tra lại một loạt các dự án để làm rõ các dự án triển khai có đúng quy hoạch hay không?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn cho rằng: “Nền kinh tế khó khăn như thế này, thị trường BĐS khó khăn như thế này, mục tiêu tăng trưởng về đầu tư không đạt mục đích đề ra thì DN VLXD chắc chắn bị ảnh hưởng hết sức nặng nề”. Cũng theo Bộ trưởng, vấn đề lúc này là cần tỉnh táo, bình tĩnh để suy xét gốc gác của mọi khó khăn, rồi phân loại những khó khăn ấy. Lỗi nào thuộc về DN thì DN phải tự thay đổi để tìm cách cứu mình. Lỗi nào thuộc về rào cản chính sách, cần thẳng thắn góp ý kiến đề xuất tham mưu để Bộ Xây dựng nghiên cứu giải pháp, kiến nghị Chính phủ “giải cứu” cho DN.
Vấn đề đặt ra lúc này là Nhà nước phải có trách nhiệm rà soát lại toàn bộ các quy hoạch ngành cũng như tích cực “xắn tay” tham gia tháo gỡ các nút mắc về chính sách quản lý kinh tế vĩ mô. Quá trình này cần có sự tham gia hỗ trợ của các hội, hiệp hội nhằm xây dựng những “ràng buộc mềm” hết sức cần thiết để qua đó kiến tạo môi trường hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bền vững. Chỉ khi tạo lập được điều đó, DN VLXD mới đủ sức bật để tồn tại mỗi khi “bão thị trường” ập tới chứ không như tình trạng hiện nay.
Minh Ngọc (BaoXayDung)