Cần giúp doanh nghiệp khởi động thị trường...

Tình hình suy giảm kinh tế thế giới chậm hồi phục dẫn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế. Giá vật tư, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, lãi suất ngân hàng quá cao trong thời gian dài, sức mua của thị trường giảm... làm cho sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn.  

Hiện nay, nhiều DN chưa chủ động ứng phó với suy giảm kinh tế. Do đó, tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa được cải thiện, ngày càng tồn kho. Theo báo cáo của Sở Công thương, dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 ước giảm 0,21% so với tháng 6 và chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2012 ước tăng khoảng 2,43% so với tháng 12 năm 2011. Điều này cho thấy, sức mua trên thị trường đã và đang chững lại trong thời gian qua.

Sản xuất của DN sẽ thuận lợi nếu các DN tăng cường hỗ trợ tiêu dùng sản phẩm của nhau. Trong ảnh: Sản xuất bao bì tại Nhà máy Bao bì Dung Quất.
Sản xuất của DN sẽ thuận lợi nếu các DN tăng cường hỗ trợ tiêu dùng sản phẩm của nhau. Trong ảnh: Sản xuất bao bì tại Nhà máy Bao bì Dung Quất.


Việc lượng hàng tồn kho tích lũy lớn trong bối cảnh thị trường tiêu thụ ngày càng bị thu hẹp đã làm tăng tỉ lệ ứ đọng hàng tồn kho. Trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu đồ gỗ, các DN trên địa bàn tỉnh đang hết sức khó khăn. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt gần 1,7 triệu USD, mới bằng 28% kế hoạch và bằng 42% so với cùng kì. Theo con số thống kê mới nhất, từ đầu năm đến nay đã có 238 DN trên địa bàn tỉnh dừng sản xuất. Tại KKT Dung Quất, trong số 67 DN đã đi vào hoạt động thì có 47 DN làm ăn hiệu quả, còn lại 12 DN hoạt động cầm chừng, không có lãi và có 8 DN ngừng hoạt động.

 Sản xuất của DN đình đốn còn dẫn đến hệ lụy là gia tăng tình trạng nợ đọng thuế. Chính vì vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ DN giải quyết hàng tồn kho thỏa đáng thì nhiều DN sẽ bế tắc, thậm chí giải thể, phá sản. Theo đó sẽ ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động.

Do vậy, trước mắt nên tập trung vào giải quyết hàng tồn kho. Và giải pháp cấp bách nhất hiện nay là khơi thông thị trường. Việc cần làm để hỗ trợ DN là rà soát lại các mặt hàng tiêu dùng tồn kho cao để tìm hướng ra cho sản phẩm. Trong bối cảnh sức tiêu thụ trong nước hạn chế, một trong những giải pháp quan trọng để khai thông thị trường là đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài, đa dạng hóa mặt hàng tại các thị trường truyền thống, giúp DN mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng lượng bán hàng. Tuy nhiên, công tác xúc tiến thị trường phải ở tầm quốc gia và tầm DN để vừa nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, vừa tăng cường quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó là, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc thiết lập và củng cố mối liên kết giữa các DN sản xuất và phân phối nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ hàng hóa, và nhất là giảm được chi phí đầu tư cho hoạt động phân phối.

Thị trường bất động sản “đóng băng” khiến cho gạch xây dựng của các DN trong tỉnh sản xuất ra còn tồn đọng lớn.
Thị trường bất động sản “đóng băng” khiến cho gạch xây dựng của các DN trong tỉnh sản xuất ra còn tồn đọng lớn.



 Ngoài ra, trong giai đoạn khó khăn hiện nay cần đẩy mạnh tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các hội chợ, đẩy mạnh các chương trình bình ổn, đưa hàng Việt về nông thôn để kết nối mạnh hơn giữa nhà sản xuất với DN kinh doanh thương mại và người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ thuế, giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là hỗ trợ DN tiếp cận vốn ngân hàng để phát triển sản xuất-kinh doanh. Chẳng hạn như sớm ban hành các cơ chế hợp lý để DN được thế chấp bằng hàng tồn kho để vay vốn khôi phục sản xuất kinh doanh đồng thời đảm bảo yêu cầu về an toàn tín dụng cho hệ thống ngân hàng.

Riêng đối với thị trường trong nước, việc cần kíp là đẩy mạnh kích cầu đầu tư, kích thích tiêu thụ để giải tỏa cho lĩnh vực xây dựng, hạ tầng giao thông… qua đó tạo đầu ra cho sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ này thì các DN phải tự đưa ra giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hàng bằng nhiều cách như khuyến mại, hàng đổi hàng, tận dụng cơ hội giảm giá đầu vào để giảm giá hàng sản xuất, chứ không thể ôm hàng tồn kho chờ hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó là phải cắt giảm tối đa chi phí sản xuất để sản phẩm có giá thành hạ, chiết khấu hợp lý cho người bán, đẩy mạnh khâu tiếp thị và sản xuất những mặt hàng có sức hút người mua theo từng thời điểm của thị trường, đồng thời chủ động, tăng cường liên kết với các DN để tiêu dùng sản phẩm của nhau nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
 

*Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn An: Việc giải quyết lượng hàng tồn kho, nhất là các mặt hàng vật liệu xây dựng, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng... cần có sự điều tiết ở tầm vĩ mô. Còn ở địa phương thì Sở Công thương sẽ tập trung kêu gọi và hỗ trợ DN đưa hàng Việt về nông thôn thông qua việc tổ chức các hội chợ, trong đó lựa chọn, ưu tiên những DN chưa tiếp cận được thị trường để vừa giúp DN đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, vừa kết hợp quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó là kêu gọi DN tích cực thực hiện khuyến mãi, mở rộng thị trường để giải quyết lượng hàng hóa còn tồn đọng.

*Ông Vi Nhật Trường-Giám đốc Công ty TNHH TM XD Tổng hợp Kim Thành Lưu: Xuất khẩu đồ gỗ trong giai đoạn hiện nay là vô cùng khó khăn do tình hình kinh tế thế giới chậm hồi phục, các đơn hàng giảm hẳn. Do vậy, để trụ vững thì công ty đã phải chuyển hướng sang sản xuất dăm gỗ  nhằm duy trì sản xuất và đảm bảo giải quyết việc làm cho người lao động. Và để tìm đầu ra cho sản phẩm, công ty phải nỗ lực tìm kiếm thị trường mới. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là việc cơ cấu lại nợ của ngân hàng quá chậm, nên DN chưa thể tiếp cận được vốn vay theo lãi suất giảm. Không có nguồn vốn vay mới thì sản xuất của nhiều DN sẽ đình đốn.

Ông Kim Byung Wook-Giám đốc cải tiến sản xuất Doosan Vina: Có một thực tế là Doosan Vina “sống khỏe” chủ yếu nhờ vào xuất khẩu, trong khi tiêu thụ nội địa không đáng kể, mặc dù năng lực sản xuất của công ty có thể tăng hơn nữa. Bên cạnh việc quảng bá, xúc tiến thương mại của Doosan Vina, chúng tôi mong các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan tác động tích cực đến các DN trong nước sử dụng các sản phẩm cơ khí của Doosan Vina. Bởi hiện nay, Việt Nam đang đầu tư rất mạnh các dự án nhiệt điện. Một khi DN đầu tàu phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp vệ tinh, cũng như thúc đẩy các dịch vụ đi kèm và nhất là giảm tình trạng nhập siêu.

*Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì Việt Phú Nguyễn Thanh Hùng: Là DN sản xuất sản phẩm phụ trợ, công ty đã định hướng, lựa chọn đầu tư vào những lĩnh vực có lợi thế tiêu thụ là cung cấp bao bì cho những sản phẩm chế biến từ nông sản hoặc phục vụ cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên đó chỉ là một mặt của vấn đề. Ngoài việc lựa chọn đầu tư đúng hướng, cũng như đảm bảo yếu tố về chất lượng và giá cả cạnh tranh thì việc ủng hộ sử dụng sản phẩm của DN sản xuất trong tỉnh đã góp phần giúp cho công ty tiêu thụ sản phẩm làm ra một cách ổn định.

*Phó Giám đốc Công ty TNHH Phú Điền Trần Khắc Nguyên: Việc thị trường bất động sản “đóng băng”, nhiều công trình xây dựng tạm hoãn hoặc không được triển khai đã làm cho thị trường xây dựng thêm ảm đạm nên sản lượng gạch tuy-nel tiêu thụ chỉ bằng 70% so với cùng kì năm ngoái. Để tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc đẩy mạnh cung cấp bán lẻ cho các hộ gia đình, Công ty cũng mở rộng ra thị trường Đà Nẵng và Quảng Nam chứ không thì lượng hàng tồn kho sẽ rất lớn. Khó khăn trong việc tìm đầu ra là vậy nhưng Ngân hàng Việt Á- Chi nhánh Quảng Ngãi vẫn chưa hạ lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước càng làm cho DN thêm khó.

 


Hoàng Triều