Vật liệu xây dựng chật vật tìm đầu ra
Sự trầm lắng, trì trệ của thị trường bất động sản đã đẩy các ngành liên quan như: thép, gạch, xi măng... vào tình cảnh chịu sức ép tồn kho lớn, phải thu hẹp sản xuất, đối mặt với thua lỗ, thậm chí ngừng hoạt động.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tình hình tiêu thụ thép vẫn đang diễn ra trầm lắng. Tháng 8, thép tiêu thụ 356.000 tấn trong khi cùng kỳ năm ngoái sức tiêu thụ là 500.000 tấn. Hiện lượng thép tồn kho đang lên đến hơn 300.000 tấn. Hầu hết doanh nghiệp ngành này đều đang cắt giảm sản xuất xuống dưới 60% công suất, thậm chí có đơn vị ngừng sản xuất.
Trong khi đó, theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, doanh nghiệp ngành này đang phải đối mặt với việc bị thua lỗ. Gạch ốp lát khai thác 70% công suất, sức mua giảm, tồn 1,2-1,3 triệu m2. Sứ vệ sinh tồn hơn một triệu sản phẩm. Tổng lượng tồn kho ngành gạch lên đến hơn 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, hiệp hội tấm lợp thừa 30% sản lượng.
Nhiều công ty thép, xi măng niêm yết trên sàn TP HCM và Hà Nội đang tồn kho hàng nghìn tỷ đồng. Theo báo cáo hợp nhất 6 tháng của Tập đoàn Hòa Phát và các công ty con, đơn vị này tồn kho 6.910 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn báo cáo tài chính tổng hợp quý 3 niên độ 2012, từ ngày 1/4 đến 30/6 của Tập đoàn Hoa Sen có hàng tồn kho 1.159 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6, Công ty cổ phần thép Dana - Ý tồn kho hơn 515 tỷ đồng. Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên có lượng hàng tồn kho giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn còn ứ đọng 544 tỷ đồng.
Các công trình chậm tiến độ do thiếu vốn cũng khiến vật liệu xây dựng nghẽn đầu ra vì nhà cung cấp vật tư, đơn vị thi công và chủ đầu tư đều không thể tất toán các chi phí xây dựng. Ảnh: Vũ Lê
Tình hình của các doanh nghiệp xi măng cũng không khá hơn là bao. Báo cáo nửa năm của Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 tính đến ngày 30/6, doanh nghiệp này tồn kho trị giá 1.105 tỷ đồng. Kế đến là các Công ty Vicem Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hoàng Mai có tổng lượng hàng tồn kho hơn 1.200 tỷ đồng.
Trong bản báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xi măng Tiên Sơn Hà Tây, Nguyễn Thế Nhậm cho biết, lợi nhuận của doanh nghiệp đang giảm vì trên thị trường cung lớn hơn cầu, hàng không thể bán giá cao. Sản lượng tiêu thụ xi măng, đá xây dựng, gạch không nung chỉ đạt 70-75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, tại Hội thảo Vực dậy nguồn lực bất động sản diễn ra ở TP HCM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: "Không chỉ có bất động sản mà các ngành liên quan như vật liệu xây dựng cũng đang điêu đứng".
Ông Nam cho hay, ngành sản xuất xi măng bình thường tồn kho trên dưới 1 triệu tấn nhưng tính đến tháng 6 là 3 triệu tấn, chưa tính tồn kho ở các đại lý. Vật liệu ốp lát tồn đọng khoảng 50 triệu mét vuông, tương đương trên 2 tháng sản xuất; kính xây dựng cực kỳ căng thẳng, tồn kho 5 tháng sản xuất và đang trong tình trạng rất nguy cấp; thép tồn kho 225.000 tấn. Trong tháng 6, một số nhà máy xi măng đã đóng cửa.
Cuối tháng 8, Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, cụ thể là giải quyết vấn đề tồn kho trong lĩnh vực này.
Mới đây, ngày 16/9, Tập đoàn C.T Group đã tổ chức hội nghị Cơ hội bán vật liệu xây dựng cho 24 dự án bất động sản mà tập đoàn này đang thi công hoặc sắp thực hiện trong thời gian tới. Ngoài ra, C.T Group còn tổ chức chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vật liệu xây dựng sang Myanmar để mở rộng thị trường.
Dự án bất động sản đình trệ kéo theo vật liệu xây dựng tồn kho chồng chất. Ảnh: Vũ Lê
Tổng giám đốc Công ty C.T Myanmar (thành viên của Tập đoàn C.T Group), Phan Thành Nhơn cho biết: "Trong thời gian tới, nhu cầu về vật liệu xây dựng tại Myanmar rất lớn phục vụ đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất. Đây là thị trường mới nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam chưa khai phá".
Khảo sát của C.T Myanmar, nhu cầu xi măng tại Myanmar khoảng 5,35 triệu tấn mỗi năm. Nội địa chỉ đáp ứng được 65%, thị phần còn lại nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc. Về sắt thép, mỗi năm nước này cần khoảng 500.000 tấn nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 1%. Tương tự, khả năng sản xuất gạch xây dựng ở nước này hiện chỉ đáp ứng 70% nhu cầu, thị phần còn lại đều nhập khẩu.
Phó chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam, Nguyễn Quang Cung nhận xét, giữa lúc thị trường nội địa khó khăn, tìm cơ hội xuất khẩu vật liệu xây dựng cũng là một giải pháp cải thiện đầu ra.
Theo ông Cung, việc xuất khẩu có thể không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng lại giúp giải quyết phần nào khó khăn về hàng tồn hiện nay. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng muốn giải quyết hàng tồn kho vật liệu xây dựng, cần phải khơi thông bất động sản vì hai thị trường này có liên hệ mật thiết.
Tổng thư ký thường trực Hiệp hội bất động sản TPHCM (Horea), Đỗ Thị Loan nhận định, giá vật liệu xây dựng Việt Nam vẫn còn cao hơn so với nhiều sản phẩm nhập khẩu là một điểm yếu.
Thực trạng hiện nay, để cắt giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã dùng vật liệu Trung Quốc có giá rẻ hơn 20-30% và sẵn sàng bỏ quên hàng nội địa. "Do đó, điều quan trọng là vật liệu xây dựng Việt Nam phải tìm cách thắng trên sân nhà rồi mới tính đến việc cạnh tranh với các đối thủ ở thị trường bên ngoài", bà nói.
Vũ Lê (VNExpress)