Thị trường sắt thép 8 tháng đầu năm và dự báo 4 tháng cuối năm

Thị trường thép thế giới u ám suốt từ đầu năm 2012, xuất phát từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro (eurozone) gây tác động tới các nền kinh tế khác, nhất là Trung Quốc.
Thị trường nhà đất, ô tô… ế ẩm khiến tiêu thụ thép chậm chạp, làm gia tăng lượng dư cung, ép giá giảm mạnh trên khắp các thị trường.
Chỉ số giá thép dẹt do SteelHome công bố giảm từ 117,89 hồi đầu năm xuống chỉ 106,01 vào tháng 8, tương tự chỉ số giá thép dài giảm từ 148,69 xuống 130,65.
Giá quặng sắt – nguyên liệu sản xuất thép – đã giảm khoảng 15% trong vòng một tháng qua, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10-2011. Giá thép cũng giảm khoảng 10% chỉ trong 3 tháng qua.
Chỉ số giá thép thế giới giảm liên tiếp trong quý II. Dự báo giá còn tiếp tục giảm xuống trong quý III. Giữa tháng 6, các nhà máy thép trên toàn thế giới thông báo giảm giá thép bán trong tháng 7.
Giá thép giảm đồng loạt trên các thị trường toàn cầu, trong đó giảm mạnh nhất tại châu Á, có phần đóng góp “tích cực” bởi Trung Quốc.
Chỉ số giá thép tại châu Á do SteelHome công bố sụt xuống 120,47 vào tháng 8, từ mức 136,92 hồi tháng 1, trong đó chỉ số của Trung Quốc giảm xuống 116,73 từ mức 130,8.
Đồ thị giá phôi thép giao ngay tại LME (bên trái, USD/tấn) và chỉ số giá thép dẹt và thép dài (bên phải)8 tháng đầu năm nay
I. THỊ TRƯỜNG THÉP THẾ GIỚI
Đồ thị giá thép thế giới 8 tháng qua dưới đây, ta thấy giá thép nhích nhẹ trong tháng 2 sau đó giảm liên tiếp trong những tháng còn lại.
Do giá giảm và tồn kho cao, lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh thép sụt giảm mạnh.
Nguy hiểm hơn là tình trạng này kéo dài và có vẻ như chưa đến hồi kết, khi mà kinh tế khắp nơi trên thế giới phát đi những tín hiệu không khả quan.
Các doanh nghiệp đứng bên bờ vực suy thoái, cắt giảm sản xuất. Trong khi ngành thép thế giới đang nỗ lực hạn chế sản xuất để cân bằng cung cầu thì các doanh nghiệp Trung Quốc lại đẩy mạnh sản xuất, tăng cường xuất khẩu với giá rẻ gây lũng loạn thị trường.
Đồ thị chỉ số giá thép tại các thị trường chủ chốt
 
ArcelorMittal và các công ty thép tại các thị trường đang phát triển đã và đang đóng cửa các nhà máy vào thời điểm kinh tế tăng trưởng chậm lại và giá thép hạ. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đang quan tâm đến khoản đầu tư 23 tỷ USD vào các nhà máy thép mới, nhằm khuyến khích lĩnh vực chế tạo ô tô và xây dựng nhà lấy lại đà tăng trưởng sau khi đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm qua trong quý II/2012.
ArcelorMittal đã đóng cửa nhà máy hoặc để nhà máy trong tình trạng “nhàn rỗi”, do nhu cầu thép yếu đi, trong khi công ty US Steel có trụ sở tại Pittsburgh trong năm nay đã phải bán đi một chi nhánh không sinh lời.
BlueScope Steel Ltd., công ty thép lớn nhất Australia, và đối thủ OneSteel Ltd. đã giảm công suất sản xuất, do đồng đôla Australia mạnh lên trong khi giá thép đi xuống. Tata Steel Ltd. (Ấn Độ) hôm 18/5 thông báo lợi nhuận quý IV/2011 giảm tới 90%, yếu kém hơn rất nhiều so với dự báo.
Tháng 7, sản lượng thép thô thế giới (tính ở 62 nước thuộc Hiệp hội Thép Thế giới – Worldsteel) đạt 130 triệu tấn, tăng 2% so với tháng 7/2011.
Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc có sản lượng thép thô tăng, trong khi khu vực đồng euro giảm.
Sản lượng thép thô Trung Quốc tháng 7-2012 đạt 61,7 triệu tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng của Nhật đạt 9,3 triệu tấn, tăng 1,2%, của Hàn Quốc tăng 4,4% lên 5,9 triệu tấn.
Tại châu Âu, Đức sản xuất 3,6 triệu tấn trong tháng 7, giảm 2,1% so với tháng 7/2011. Sản lượng của Tây Ban Nha tăng 7% lên 1 triệu tấn. Sản lượng của Anh tăng 6,6% lên 0,9 lên 0,9 triệu tấn. Sản lượng của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 9,7% đạt 3,1 triệu tấn, của Nga tăng 3,6% lên 5,9 triệu tấn
Mỹ sản xuất 7,4 triệu tấn thép thô trong tháng 7, tăng 0,9% so với cùng tháng năm ngoái; của Brazil giảm 4,1% xuống 3%.
Tỷ lệ sử dụng công suất thép thô ở 62 nước trong tháng 7 giảm xuống 78,7% từ mức 80,4% hồi tháng 6-2012. So với tháng 7-2011, tỷ lệ này giảm 0,8%.
Sản lượng thép thô thế giới tháng 7 /2012 và 7 tháng đầu năm 2012
Khu vực
7/2012
+/- (so với T7/2011)
7 tháng đầu năm 2012
+/- (so với cùng kỳ năm ngoái)
EU
14.227
-4,9
103.212
-4,6
Các nước châu Âu khác
3.261
6,2
22.337
5,5
SNG(6)
9.515
2,6
66.178
0,4
Bắc Mỹ
10.235
1,3
73.305
5,9
Nam Mỹ
4.010
-6,1
27.770
-3,4
Châu phi/Trung Đông
2.689
-1,4
20.094
-0,7
Châu Á
85.302
3,8
580.695
1,8
Tổng cộng 62 nước
129.738
2
896.944
1
1. Thị trường Trung Quốc
Nguyên nhân sâu xa của sự suy giảm thị trường thép thế giới chính là cuộc khủng hoảng nợ công ở eurozone, kéo kinh tế toàn cầu sụt giảm. Nhưng nguyên nhân đáng kể nhất chính là việc Trung Quốc sản xuất ồ ạt trong bối cảnh tiêu thụ trong và ngoài nước sụt giảm nhiều hơn dự kiến gây tràn ngập cung.
Ngành thép Trung Quốc hiện đang trong tình trạng dư thừa nhiều, lợi nhuận giảm, giá chạm xuống mức thấp nhất 2 năm qua, đang ồ ạt bán xuất khẩu thép phá giá trên thị trường quốc tế.
Liên tục giảm sút, phiên 22-7, giá thép Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục, 3.578 nhân dân tệ (560 USD)/tấn thép thanh. Thị trường nhà đất tiếp tục ảm đạm, trong khi chính phủ vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ. Trong khi nhu cầu rất yếu, các nhà máy thép Trung Quốc cắt giảm sản lượng không đáng kể, khiến áp lực giảm giá càng nặng nề.
Từ đầu năm đến nay, giá thép Trung Quốc đã sụt giảm 13%. Hiện giá thấp hơnn cả mức của năm 2010 và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Đồ thị giá thép thanh tại Thượng Hải
 
Số liệu mới công bố cho thấy sản lượng thép thô Trung Quốc vào đầu tháng 8 vẫn tăng 1,1% so với cuối tháng 7, bởi nhiều nhà máy thép Trung Quốc khôi phục sản xuất sau giai đoạn nghỉ ngắn hạn bảo dưỡng (giữa tháng 7).
Các doanh nghiệp thép Trung Quốc rất thận trọng trong việc cắt giảm mạnh sản lượng bởi lo sợ mất thị phần ở một lĩnh vực có độ cạnh tranh rất cao. Ngoài ra, với việc nhiều nhà máy thép lớn là doanh nghiệp quốc doanh nên hầu hết vẫn duy trì sản xuất để tạo công ăn việc làm.
Sản lượng thép Trung Quốc năm 2012 được dự báo sẽ tăng chậm lại, song vẫn tăng 4% so với mức tăng 8% của năm 2011 và 13% của năm 2010. Sản lượng thép Trung Quốc năm nay dự báo đạt kỷ lục 720 triệu tấn, cao kỷ lục.
Lợi nhuận của các công ty thép lớn và vừa của Trung Quốc giảm sút 95,8% trong 6 tháng đầu năm 2012 do nhu cầu nội địa giảm. Với lợi nhuận này, ngành sản xuất thép đang ở bên bờ thua lỗ.
Trung Quốc - nước sản xuất thép lớn nhất thế giới hiện nay - đang xuất khẩu thép với mức cao nhất trong hai năm trở lại đây, làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa thép trên toàn cầu, gây thiệt hại không nhỏ cho các công ty thép trên thế giới.
Trong tháng 6/2012, tỷ trọng thép xuất khẩu trong tổng sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng lên 8,7%, mức cao nhất kể từ tháng 7/2010. Trong bối cảnh sản lượng thép có thể đạt mức cao kỷ lục trong năm 2012, các hãng thép Trung Quốc đang đẩy mạnh tiêu thụ thép ở nước ngoài do nhu cầu thép tại thị trường trong nước đang giảm. Giá thép tại Trung Quốc hiện đã rớt xuống mức thấp trong hai năm qua.
2. Các thị trường châu Á khác
Giá thép tại các thị trường châu Á khác cũng giảm sút. Một số nhà sản xuất thép Ấn Độ đã phải hạ giá xuất xưởng trong tháng 8 do bị áp lực bởi nhu cầu suy yếu, thiếu niềm tin đối với thị trường.
Giá thép HRC kết cấu 3mm xuất xưởng bình quân từ các nhà máy là 36.000-36.500 Rs/tấn (647-655 USD/tấn), tuy nhiên giá giao dịch thực tế chỉ khoảng 35.000-35.500 Rs/tấn (629-638 USD/tấn).
Hãng thép của Tata đặt tại Ấn Độ chuyển hướng kinh doanh sang Châu Á và Châu Mỹ do các hoạt động tại thị trường Châu Âu bị ảnh hưởng do nhu cầu giảm và khủng hoảng kinh tế tại các nước đã phát triển, đặc biệt là trong khu vực EU.  
Tại Nhật Bản, sau giai đoạn hồi phục khá mạnh vào những tháng đầu năm bởi những dự án khôi phục sau thảm họa động đất và sóng thần, tiêu thụ và xuất khẩu thép bắt đầu chậm lại, bởi thị trường thế giới ảm đạm. Lợi nhuận của các nhà sản xuất thép lớn nhất ước tính sụt giảm đến 80% trong quý II do  các đối thủ Trung Quốc tiến hành giảm giá. Tokyo Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản đã thông báo lỗ hoạt động lên đến gần JPY 6.000 triệu và thua lỗ trong quý II năm 2012, vượt xa ước tính trong quý đầu tiên của năm tài khóa 2012. Tokyo Steel đã phải điều chỉnh lại định mức quý III cũng như cho cả năm tài khóa 2012.
Hãng sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc Posco cho biết lợi nhuận quý II của tập đoàn này giảm xuống 66% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu trên toàn thế giới yếu. Lợi nhuận trong quý II đạt mức KRW 466 tỷ so với mức lợi nhuận năm trước là KRW1,37 nghìn tỷ. Doanh thu bán hàng đạt KRW 16,49 nghìn tỷ, giảm 3,3% so với năm trước, doanh thu ahoạt động là KRW1,06 nghìn tỷ, giảm 39% so với năm 2011.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô của Hàn Quốc hỗ trợ cho thị trường thép đứng vững hơn so với các nước khác. Dù bị ảnh hưởng bởi nợ xấu tại khu vực Châu Âu và giá nhập khẩu thấp, doanh thu bán hàng của công ty Huyndai của Hàn Quốc vẫn tăng lên trong quý II năm nay.
Tại Đài Loan, tập đoàn sản xuất thép lớn nhất China Steel (CSC) cho biết kế hoạch giảm sản lượng xuống 5% trong tháng 9 do nhu cầu nội địa yếu và giá thế giới thấp. Ông Steve Lee, Phó chủ tịch tập đoàn CSC cho hay công ty sẽ giảm công suất xuống còn 95% trong tháng 9 từ mức 100% của tháng 8 do nhu cầu từ các công ty thương mại giảm.
3. Thị trường Châu Âu
Thị trường thép tấm Châu Âu chịu nhiều áp lực do hàng nhập khẩu giá thấp từ Ấn Độ và Trung Quốc tràn sang. Bên cạnh đó kỳ nghỉ kè cận kề cũng tác động tiêu cực đến các giao dịch trên thị trường.
Giá thép cán nóng tại thị trường châu Âu đã giảm khoảng 6% trong 12 tháng trở lại đây, xuống 517,5 euro/tấn. Thép tấm S235 giao tháng 10 tại Tây Ban Nha giá 510 EUR/tấn cif Bilbao. Các giao dịch đang ở mức 510 EUR/tấn cif Nam Âu và thị trường đang suy yếu. Các nhà sản xuất Italia đang chào bán ở mức 510-530 EUR/tấn xuất xưởng.
Riêng tại thị trường Nga, nhờ có nhu cầu xây dựng tăng cao, giá giao dịch thép thanh vằn tăng trong mấy tuần qua. Nhà máy Abinsk Electric Steel hiện đang bán thép thanh vằn D.12mm với mức giá xuất xưởng là 20,340 Roubles (636 USD/tấn). Theo thông báo mới nhất, thuế nhập khẩu của Nga đối với thép ống đường kính lớn (LDP) giảm do việc hội nhập của Nga vào tổ chức WTO.
Nhìn chung, các công ty châu Âu không thể phòng bị trước làn sóng thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Do tình hình kinh tế xấu đi, các công ty thép châu Âu cũng đã giảm quy mô.
Hiệp hội thép châu Âu (Eurofer) tháng trước cho hay nhu cầu của châu Âu trên thị trường bình thường là 160 triệu tấn, trong khi công suất sản xuất là 210 triệu tấn. Do đó, việc các nhà máy thép phải đóng cửa là điều không thể tránh khỏi.
4. Thị trường Hoa Kỳ
Hầu hết các nhà sản xuất của Mỹ đều thành công trong việc nâng giá thép tấm thêm khoảng 40 USD/tấn trong tháng 7, nhưng giá không duy trì được lâu ở mức cao, bởi kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại rõ rệt.
II. THỊ TRƯỜNG QUẶNG SẮT THẾ GIỚI
Giá quặng sắt thế giới bắt đầu sụt giảm mạnh từ tháng 7 và tiếp tục sụt giảm trong tháng 8, do nhu cầu sụt giảm, nhất là từ Trung Quốc.
Giá quặng sắt đã giảm 21% từ đầu năm tới nay, vượt xa mức giảm 13% giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc.
Đồ thị chỉ số giá quặng sắt thế giới do Metal Bulletin công bố
 
Nhu cầu thép trì trệ buộc các nhà máy thép trước hết là ở châu Âu, sau đó là trên toàn cầu, phải cắt giảm mạnh sản xuất trong mấy tháng qua, và điều này, cộng với lượng tồn kho cao ở các cảng, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu quặng sắt.
Làm trầm trọng thêm tình hình, các hãng sản xuất thép ở Trung Quốc – đã từng là những nhà tiêu thụ ngấu nghiến nguyên liệu trong suốt mấy năm qua – nay tăng cường thời gian bảo dưỡng nhằm cắt giảm sản lượng và cắt lỗ sau khi giá thép giảm mạnh mà tồn kho không ngừng gia tăng.
Điều này cũng có thể sẽ càng gây áp lực lên giá quặng sắt.
Đồ thị giá xuất khẩu quặng sắt tinh chế hàm lượng 62% sắt (giao ngay) tại Trung Quốc

III. THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với ba khó khăn lớn nhất, đó là lãi suất cho vay dù giảm nhưng vẫn quá cao, thị trường tiêu thụ ế ẩm, và cạnh tranh khốc liệt với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Sản xuất giảm, tiêu thụ giảm và giá tất yếu liên tục giảm.
Trong khi giá thép nội hiện trên 700 USD/tấn thì thép Trung Quốc bán tại Việt Nam chỉ khoảng 560-600 USD/tấn. Sự chênh lệnh rất lớn này khiến cho không ít chủ xây dựng lựa chọn thép Trung Quốc thay vì thép nội, mặc dù ưa chuộng chất lượng thép Việt Nam.
Các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc có lợi thế về lãi suất, thuế, trợ giá. Khi vào thị trường VN, giá thép cuộn của họ rẻ hớn thép trong nước hơn 1 triệu đồng/tấn.
Cho đến nay chưa có DN thép nào tuyên bố phá sản, nhưng trên thực tế có không ít doanh nghiệp đã chết lâm sàng, chỉ là chưa công bố mà thôi. Vì hiện nhiều công ty không có báo cáo sản xuất, nhiều người chạy nợ, thậm chí không có cả tiền để trả lương cho bảo vệ, ông Cường cho biết. Dự báo có khoảng 20% DN thép phá sản trong năm 2012.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), chưa khi nào lượng thép dư thừa nhiều như 6 tháng qua, những năm trước, mỗi tháng dư thừa 250.000 – 300.000 tấn thép là con số không lớn, được xem như số thép gối đầu cho tháng sau, bởi mỗi tháng tiêu thụ bình thường của DN dao động từ 400.000 đến 450.000 tấn. Thế nhưng hiện nay lượng thép tồn đọng lên đến trên 350.000 tấn, trong khi tiêu thụ chỉ còn 300.000 tấn/tháng. Dự báo lượng thép tồn kho trong cuối tháng 6 tăng lên khoảng 15% so với các tháng đầu năm.
Nhiều DN thép thời gian qua đã phải tiết giảm sản xuất để khớp với nhu cầu thị trường. Theo Hiệp hội Thép, một số doanh nghiệp thép đã 2 tháng nay không sản xuất, nhiều doanh nghiệp giảm từ 3 ca xuống còn 2 ca để bớt công suất. Công ty Thép Thái Nguyên, trước kia mỗi tháng bán ra khoảng 20.000 -30.000 tấn thì nay chỉ còn 14.000-15.000 tấn.  Tập đoàn Hòa Phát phải cắt giảm 10%- 15% công suất của mình để giảm lượng hàng tồn kho.
Bên cạnh câu chuyện hàng tồn kho, lãnh đạo VSA cho biết, lãi suất cao vẫn là khó khăn lớn của DN. Hiện lãi suất đã về dưới 15%/năm nhưng DN thép vẫn khó khăn. Thời gian qua một số DN đã phải vay ngân hàng lãi suất cao để đầu tư cho sản xuất thép, nay nhà máy đi vào hoạt động, nhưng tiêu thụ không tốt, dẫn đến khó khăn chồng chất, nhất là những DN ít vốn, phải vay ngân hàng nhiều.
Ngoài ra, việc tăng giá điện thêm 5% vào cuối tháng 6/2012 vừa qua cũng tăng thêm mối lo cho nhiều doanh nghiệp. Theo tính toán, giá điện hiện chiếm 6% -7% giá thành sản xuất của các doanh nghiệp thép. Để làm ra 1 tấn thép phải sử dụng khoảng 600kWh. Với giá điện tăng 5% sẽ làm đội giá thành sản phẩm lên ít nhất 39.000 đồng/tấn. Tính bình quân một DN sản xuất 40.000 tấn thép/tháng thì riêng chi phí tiền điện tăng thêm 1,56 tỷ đồng/tháng. Trong khi giá thép không tăng, ngược lại còn giảm, thì chi phí đầu vào không ngừng tăng, khiến DN thép càng thêm khó khăn.
IV. DỰ BÁO
          Triển vọng thị trường sắt thép thế giới những tháng cuối năm sẽ không khả quan, bởi kinh tế thế giới đang trong thời kỳ suy yếu, bởi cuộc khủng hoảng nợ công eurozone còn đó kéo theo tiêu thụ và xuất khẩu suy giảm trên toàn cầu.
          Châu Âu sắp kết thúc mùa nghỉ hè, các hoạt động sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, thị trường nhà đất trên toàn cầu vẫn gần như đóng băng, kéo theo tiêu thụ thép trì trệ.
Tại Trung Quốc – nơi được cho là nguyên nhân gây giảm giá thép thế giới, một số hãng sản xuất thép đã bắt đầu tung ra những chiêu khuyến mại hấp dẫn nhằm kích thích tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa với việc giá sẽ còn giảm hơn nữa.
Và thực tế là Baoshan Iron and Steel Co. Ltd. Đã bắt đầu thương lượng về giá với các khách hàng của mình, và có kế hoạch sẽ giảm giá niêm yết từ tháng 9.
          Lượng tồn kho lớn ở Trung Quốc nếu tiêu thụ tích cực cũng phải mất khoảng 2 tháng, tức là nếu kinh tế khởi sắc thì cũng phải tới tháng 10 thị trường thép mới có thể chuyển mình.
          Trên thị trường trong nước, với lượng tiêu thụ tháng 7 chỉ đạt khoảng 351 nghìn tấn, thấp hơn mức bình quân tháng 400 nghìn tấn của năm ngoái, và chưa có dấu hiệu khởi sắc, thị trường thép sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới.
V. KIẾN NGHỊ - ĐỀ XUẤT
          Để tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, Nhà nước nên xem xét điều chỉnh mức lãi suất cho các khoản nợ của những doanh nghiệp kinh doanh tốt nhưng đang đọng tồn kho lớn do yếu tố khách quan. Bên cạnh đó Chính phủ cần giảm thuế VAT cho các DN từ 10% xuống 5% có như vậy hoạt động sản xuất thép mới thoát khỏi khó khăn tránh bị phá sản hàng loạt.
Nhà nước nên ưu tiên cứu các doanh nghiệp thép đang gặp khó khăn hơn là tính tới chuyện liên doanh xây dựng những dự án thép mới.
Theo ông Cường, ngành thép vẫn xác định khả năng tăng trưởng từ 3-4% so với năm 2011, nhưng để đạt được mục tiêu này, xem ra rất khó khi 2 tháng qua chỉ số giá tiêu dùng tăng trưởng âm và tiêu thụ thép cũng đang trên đà giảm.
Ngoài ra, cần có biện pháp ngăn chặn luồng thép nhập khẩu tràn lan từ Trung Quốc. Tổng giám đốc Thép Hoà Phát, ông Trần Xuân Dương, cho biết, hiện nay thị trường phía Nam đang nhập khẩu 200.000 -300.000 tấn thép dây từ Trung Quốc. Trong bối cảnh tiêu thụ nội địa chậm và xuất khẩu ra các thị trường gặp nhiều khó khăn, các nhà sản xuất thép Trung Quốc sẽ tích cực đẩy lượng dư thừa sang Việt Nam, và chắc chắn khối lượng thép ấy sẽ rất lớn, bởi giá thép Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với giá thép Việt Nam (Các doanh nghiệp thép Trung Quốc được hưởng lãi vay rất thấp chỉ 5% bằng 1/3 lãi suất các doanh nghiệp thép Việt Nam đang chịu, hơn nữa quy mô sản xuất lớn cũng làm giảm chi phí sản xuất thép Trung Quốc).
Nhà nước nên phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại ở các nước trong khu vực, trước hết là Myanmar, Campuchia, Philippines, đây là những thị trường có lợi thế, tiềm năng đối với DN thép Việt Nam.
Nhà nước và ngành thép cần tính toán quỹ quy hoạch phát triển ngành thép, tránh sản xuất ồ ạt, tăng cường đầu tư sản xuất các loại thép chất lượng cao, ưu tiên dự án sản xuất sản phẩm Việt Nam đang thiếu như: Sản xuất phôi thép từ quặng sắt, hạn chế sản xuất phôi thép từ lò điện, lò quang, ưu tiên dự án thép tấm cán nóng, thép chất lượng cao, các dự án có quy mô công suất lớn…
Bản thân các doanh nghiệp cần nỗ lực giảm chi phí sản xuất, tiết giảm tiêu hao nhiên liệu, tập trung vào sản xuất thép mạ kẽm, tôn, phát triển các ứng dụng từ sản phẩ thép, tìm kiếm hợp đồng mới, hướng xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực, sang Trung Đông, Bắc Phi…
                                Theo Phòng Tin Kinh tế Thương mại, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại