Thép nhập khẩu đe dọa doanh nghiệp nội
Một số doanh nghiệp thép đã kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng hàng rào phi thuế quan để ngăn chặn việc nhập khẩu
quá nhiều sản phẩm thép vào Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất trong nước
Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép Việt Nam đã từng dự báo, thị trường thép quý 4/2012 sẽ khả quan hơn do vào thời điểm xây dựng cuối năm, nhu cầu về thép sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, thực tế đang chứng minh điều ngược lại, tiêu thụ chưa thấy tăng lên trong khi thép nhập khẩu vẫn “ùn ùn” kéo về khiến cho ngành thép vốn đã khó nay càng khó hơn.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 9 tháng năm 2012, sản xuất và tiêu thụ của toàn ngành thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 khoảng 10%. Tính đến cuối tháng 9, lượng tồn kho khoảng 330.000 tấn, chủ yếu là thép xây dựng. Con số này còn có khả năng tăng cao hơn nữa nếu như các doanh nghiệp sản xuất thép không có những biện pháp kiềm chế, tiết giảm sản xuất.
Trong khi đó, thép nước ngoài nhập khẩu tiếp tục tăng, đặc biệt là thép Trung Quốc tăng rất mạnh. Chỉ trong 8 tháng năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu gần 5 triệu tấn sắt thép, trong đó thép giá rẻ từ Trung Quốc chiếm gần 30%.
Đối với sản phẩm thép cán nguội, năng lực sản xuất của Việt Nam đến thời điểm này là 3,47 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ là 1,3 triệu tấn/năm. Nghĩa là sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng được 100% nhu cầu nội địa.
Tuy nhiên, do mức thuế nhập khẩu thấp và không áp dụng hàng rào phi thuế quan cũng như các yêu cầu chất lượng với hàng nhập khẩu, nên tình trạng các sản phẩm thép cán nguội giá rẻ, chất lượng thấp từ các nước lân cận dễ dàng xâm nhập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường nội địa và gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp thép cán nguội.
Năm 2010, có khoảng 440.000 tấn và năm 2011 có 228.000 tấn thép cán nguội được nhập khẩu về Việt Nam. Từ đầu năm 2012 thuế nhập khẩu thép cán nguội vào Việt Nam đã tăng từ 0% lên 5% nhưng trong nửa đầu năm nay vẫn có gần 50.000 nghìn tấn thép cán nguội được nhập khẩu.
Trước thực tế này, một số doanh nghiệp thép đã kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng hàng rào phi thuế quan để ngăn chặn việc nhập khẩu quá nhiều các sản phẩm thép vào Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp này cho biết, một số nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều đã xây dựng và đang áp dụng hàng rào phi thuế quan để ngăn chặn việc nhập khẩu các sản phẩm thép từ Việt Nam.
Cụ thể, thủ tục hành chính cho việc cấp phép nhập khẩu kéo rất dài, từ 40 ngày đến 60 ngày và yêu cầu nhiều chứng chỉ kiểm định chất lượng thép trước khi nhập khẩu.
Malaysia còn yêu cầu doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng vào nước này phải xuất trình đơn xin cấp phép, danh sách hàng, chứng nhận kiểm tra chất lượng có thời hạn trong 1 năm cùng các báo cáo kiểm tra và giấy phép chứng chỉ sản phẩm. Tại Thái Lan, ngoài đơn xin cấp phép, nhà nhập khẩu còn phải nộp chi tiết quá trình sản xuất, danh sách các máy móc và thiết bị trong dây chuyền, quy trình kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp báo cáo sản xuất hàng tháng, hàng năm, đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm nhập khẩu...
Trong khi đó, thủ tục nhập khẩu các mặt hàng tương tự tại Việt Nam rất đơn giản, thậm chí được cấp phép nhanh chóng qua mạng. Điều đó khiến hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt là thép giá rẻ, khiến các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được. Nếu không dựng hàng rào hợp lý thì sự cạnh tranh giữa thép cán nguội trong nước và thép nhập khẩu sẽ đẩy các nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn.
Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế với hướng điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép. Cụ thể, điều chỉnh tăng thuế suất của mặt hàng thép cán nguội nhập khẩu từ 5% (hiện hành) lên 7%.
Ngoài ra, dự kiến tăng thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép khác từ 5 - 10% như: các sản phẩm của thép không gỉ cán phẳng, có chiều rộng dưới 600mm; các loại ống và ống dẫn khác bằng sắt hoặc thép (được hàn, tán bằng đinh hoặc ghép với nhau bằng cách tương tự), có mặt cắt hình tròn, đường kính mặt cắt ngoài trên 406,4 mm; phụ kiện ghép nối cho ống và ống dẫn (khớp nối, khuỷu, măng sông), bằng sắt hoặc thép...
VSA cho rằng, hiện các doanh nghiệp thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, một phần do lượng thép nhập khẩu tăng. Vì vậy, việc tăng thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép là hoàn toàn hợp lý. Với nhóm hàng thép cuộn thông thường dùng trong xây dựng mà sản xuất trong nước đang dư thừa, VSA đề nghị mức thuế 15%.
Việc xây dựng hàng rào phi thuế quan cũng như tăng thuế nhập khẩu để bảo vệ ngành thép trong nước cũng chỉ là những giải pháp tình thế trong ngắn hạn. Còn về lâu dài, theo lộ trình cam kết WTO và AFTA, những năm tới Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế và xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với nhiều mặt hàng.
Như vậy, thị trường thép trong nước sẽ phải đón nhận luồng hàng nhập khẩu với giá thành thấp, chất lượng cao từ các nước ASEAN và Trung Quốc. Do đó, yêu cầu đặt ra trong thời điểm này là doanh nghiệp ngành thép phải tiến hành tái cơ cấu để đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm thép trên thế giới ngay trên sân nhà.
Đối với những doanh nghiệp thép dùng công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng quá lớn và không còn đủ sức cạnh tranh thì phải mạnh dạn cắt bỏ hoặc bán lại cơ sở cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính để tiến hành nâng cấp công nghệ đảm bảo sản xuất có hiệu quả kinh tế.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam