Ngành than 'đói' vốn, công nhân đói ăn
Ngành than đứng trước nguy cơ thiếu hàng chục tỷ USD vốn đầu tư nên 3 năm tới, cả nước thiếu than trầm trọng. Trong khi đó, lương bình quân của lao động chỉ 7 triệu đồng/tháng, không đủ sống nếu nuôi thêm 3-4 người trong gia đình.
Những quan ngại trên được Hiệp hội năng lượng Việt Nam đưa ra trong bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn chung của ngành than.
1.500 lao động bỏ việc vì lương thấp
Theo Hiệp hội Năng lượng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện có khoảng 140 ngàn lao động, trong đó, Quảng Ninh có khoảng 110 ngàn người. Nếu tình hình khai thác, sản xuất kinh doanh than giảm sút thì khả năng, có tới 110 ngàn lao động bị ảnh hưởng, giảm việc làm, giảm thu nhập. Hệ lụy kéo theo là có tới 460 ngàn người là vợ con, gia đình họ bị ảnh hưởng. Mặt khác, đáng báo động hơn là số công nhân ngành than bỏ việc đang gia tăng. Cơ quan này cho hay, năm nay, ngành than đã có tới 1.500 thợ lò bỏ việc.
Trước đây, việc tuyển công nhân làm thợ lò chủ yếu là ở các tỉnh miền Bắc như Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương... nhưng hiện nay, TKV không tuyển được nữa mà phải vào tận vùng sâu, vùng xa và các tỉnh miền Trung. Chi phí tuyển dụng lao động của ngành than vì thế tăng cao.
Công nhân ngành than vất vả, lương thấp lại làm trong môi trường độc hại nên nhiều người không trụ nổi.
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên: môi trường làm việc độc hại, lương thấp và kinh doanh than sa sút. Ghi nhận sau cuộc khảo sát các công ty than vùng Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh của TKV từ 13/8 đến 20/9, Hiệp hội cho biết: "Người công nhân lao động ngành than làm việc trong điều kiện khó khăn cực nhọc nhưng lương bình quân chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Người thợ lò phải nuôi theo 3-4 người trong gia đình nên họ không thể đủ sống, chứ chưa nói là đãi ngộ, thu hút".
Điều kiện lao động của công nhân ngành than, đặc biệt là ở khai thác hầm lò hết sức khắc nghiệt, tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro đến tính mạng. Do mỏ than lộ thiên hiện chỉ còn 40-45%, còn lại, việc khai thác than hầm lò chiếm tỷ lệ trên 50% và sẽ còn tăng hơn nữa. Một số mỏ than như: Mạo Khê, Dương Huy,..v..v.. có khí Mêtan (CH4), CO2, SO2, Nox... rất độc hại, mà TKV dù đã triển khai các biện pháp hạn chế chất độc hại nhưng khó có thể đảm bảo triệt để được. "Vì thế, nhiều công nhân than làm việc một thời gian đã bỏ đi, gây ra tình trạng luôn luôn thiếu công nhân hầm lò. Đây là một báo động hết sức lo lắng", cơ quan Hiệp hội nhấn mạnh.
Nhiều lần TKV đã có văn bản kiến nghị hỗ trợ thêm cho công nhân than như: phụ cấp độc hại, phụ cấp thâm niên,... nhưng chưa được giải quyết. Ví dụ, TKV đề xuất tuổi về hưu của công nhân với thời gian làm việc là 25 năm đóng bảo hiểm thay vì 30 năm theo quy định, tuổi đời là 50 năm...
"Đói" vốn hàng chục tỷ USD
Bên cạnh những khó khăn về lao động trên, Hiệp hội Năng lượng còn đưa ra các cảnh báo về tình trạng thiếu vốn trầm trọng của ngành than.
Theo phân tích của cơ quan này, đến năm 2015, ngành than phải đạt sản lượng khai thác 55 triệu tấn than sạch (tương đương với 58 - 60 triệu tấn than nguyên khai) để đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế.
Như vậy, trong vòng 3 năm tới, TKV phải khai thác được thêm 20 triệu tấn than nguyên khai nữa. Sản lượng này đồng nghĩa với việc TKV phải xây dựng tối thiểu là 10 mỏ mới với công suất từ 2 triệu đến 2,5 triệu/năm, nằm trong tổng số 28 mỏ mới mà Chính phủ đã giao.
Tuy nhiên, kế hoạch này khó đạt bởi nhiều yếu tố.
Thứ nhất, thời gian xây dựng một mỏ hầm lò mới với công suất trên sẽ phải mất từ 6 -7 năm. Trung bình, vốn đầu tư mỗi mỏ khoảng 300-350 triệu USD. Như vậy, số tiền cần cho trước mắt để xây dựng được 10 mỏ mới là 3,5 tỷ USD. Và nếu xây hết cả 28 mỏ mới như Chính phủ giao và mở rộng 61 mỏ cũ, TKV sẽ cần lượng vốn đầu tư tới hàng chục tỷ USD.
Trong khi đó, vốn là bài toán hóc búa nhất trong bối cảnh kinh doanh than hiện nay. Theo Hiệp hội Năng lượng, thiếu vốn đầu tiên là do giá than bán cho điện rất thấp, dưới giá thành. Về điểm này, TKV từng cho biết, sau khi tăng giá than, tập đoàn vẫn phải bù lỗ giá than bán cho điện tới hơn 7.000 tỷ đồng trong năm 2012.
Thứ hai, sản lượng và giá bán than xuất khẩu giảm. Năm 2012, giá xuất khẩu than đã giảm từ 24- 36% tùy loại. Tiêu thụ than cả năm nay sẽ giảm 5 triệu tấn so với kế hoạch.
Thứ ba, hàng loạt chi phí đầu vào của TKV ngày càng tăng cao, với các gánh nặng thuế, phí rất lớn
.
Vì vậy, TKV không có lãi và không đủ điều kiện để thực hiện chủ trương đầu tư phát triển nêu trên. "Nếu không có những đột phá mới về cơ chế chính sách của Nhà nước, Chính phủ thì hậu quả đến năm 2015, năm 2020, sẽ không đủ than cung cấp cho hàng chục nhà máy nhiệt điện chạy than với tổng công suất là 36.000MW trong Quy hoạch Điện VII, chưa nói tới không đủ than phục vụ cho các ngành kinh tế khác", Hiệp hội cho biết.
Bản kiến nghị lần này của Hiệp hội Năng lượng lại không nhắc đến việc cần ngừng xuất khẩu than của TKV.
Trao đổi với VietNamNet trước đây, lãnh đạo TKV cho biết, từ nay tới năm 2015, sản lượng xuất khẩu than sẽ giảm dần theo lộ trình Chính phủ đã duyệt, nhưng trước mắt, việc duy trì xuất khẩu sẽ giúp đảm bảo cân đối tài chính, bù đắp những khoản lỗ bán than trong nước. Nhiều ý kiến chuyên gia lại cho rằng, biết trước hệ lụy thiếu than, nhập than khó khăn, TKV và Chính phủ cần rút ngắn lộ trình này, ngừng xuất khẩu than sớm nhất có thể.
Theo Tranh luận online