Xây dựng đô thị thông minh

 

Với định hướng phát triển đô thị Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại, thành phố đang đầu tư phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Mô tả ảnh.
Xây dựng thành phố thông minh được các đại biểu quan tâm tại Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng” tổ chức vào tháng 3-2011.

 

 

Xu hướng phát triển

Cùng với thiết kế kiến trúc xanh, thiết kế kiến trúc đô thị đang dịch chuyển theo hướng đô thị “Thông minh + Kết nối” mà CNTT là một công cụ hạ tầng nền tảng. Thực tế trong những năm gần đây, việc ứng dụng các giải pháp CNTT ở mô hình các tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh đã được phát triển ở Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết theo Chiến lược quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì đến năm 2040, tốc độ phát triển đô thị hóa sẽ đạt 50%, tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2020, và 10 lần so với hiện nay. Theo đó, sẽ có thêm khoảng 20 triệu người Việt Nam chuyển đến sống tại các thành phố. Vì vậy, vấn đề đẩy mạnh việc tích hợp CNTT vào lĩnh vực xây dựng trong quá trình đô thị hóa với mục tiêu mang lại nhiều hơn nữa giá trị và tính bền vững cho người dân sống tại các thành phố.

Tại Hội thảo chuyên đề “Thông minh + Kết nối: Xu hướng phát triển nhà ở và đô thị” mới đây do Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin-Truyền thông và Tập đoàn Cisco tổ chức đã đánh giá Đà Nẵng là thành phố tiêu biểu cho khả năng ứng dụng tốt CNTT trong phát triển đô thị ở Việt Nam.

Bà Mrinalini Ingram, Giám đốc cao cấp của Tập đoàn Cisco cho rằng: “Lợi ích kết nối và cộng đồng các hệ thống mạng có thể mang tới cho các thành phố, cộng đồng dân cư trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Tại Việt Nam, thành phố Đà Nẵng cũng đã xây dựng, trở thành thành phố thông minh có hạ tầng CNTT đồng bộ. Tập đoàn Cisco sẽ hợp tác với UBND thành phố Đà Nẵng nâng cấp mạng lõi của Đà Nẵng thành mạng CNTT thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu của một thành phố thông minh”.

Độ sẵn sàng

Sử dụng Wifi sẽ được lựa chọn mà theo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết hiện đã có 5 đơn vị CNTT lớn là Tập đoàn Juniper Networks, Kit, Công ty Cisco Systems Việt Nam, Công ty Đông Quân và Tập đoàn Motorola đưa ra những giải pháp cho việc xây dựng “Thành phố Wifi”. Mỗi đơn vị đều đưa ra một giải pháp thực hiện tối ưu. Theo Kit thì đưa ra giải pháp Wireless của Firetide có khả năng kết nối đa điểm với khả năng chuyển vùng và hội tụ cao. Tập đoàn Juniper Networks cung cấp giải pháp mạng và bảo mật Juniper Networks đưa ra nguyên tắc chung cho một hệ thống Wifi công cộng bao gồm 3 tiêu chí: Đơn giản - an ninh - linh động. Cisco Systems Việt Nam đề xuất mô hình Public Wifi có các tính năng vượt trội, có độ tin cậy, hiệu năng, bảo mật và khả năng quản lý mạng WLan cao.

Motorola đưa ra giải pháp xây dựng mạng đô thị Outdoor Mesh được sử dụng kỹ thuật công nghệ MeshConnex tăng cường khả năng quan sát hệ thống camera, phục vụ công cộng như báo đồng hồ điện, nước…Công ty Đông Quân lại đưa ra công nghệ và giải pháp kết nối Wifi tiên tiến với dòng sản phẩm Ruckus Wireless (USA). Sản phẩm Ruckus Wireless có thể sử dụng hiệu quả ở nhiều môi trường hoạt động gắn kết gia đình và cộng đồng trên nhiều không gian địa lý khác nhau.

Trong khi đó, IBM là đối tác quan trọng thực hiện tư vấn, xây dựng và phát triển kiến trúc và cơ sở hạ tầng CNTT hiện đại cho thành phố Đà Nẵng, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn “Thành phố thông minh” tập trung các lĩnh vực như giao thông, quản lý tài nguyên nước, an toàn thực phẩm, thông tin và truyền thông, y tế và công nghệ cao. “IBM sẽ hỗ trợ đắc lực để Đà Nẵng giải quyết thành công những thách thức của phát triển đô thị”, ông Võ Tấn Long, Tổng Giám đốc Công ty IBM Việt Nam, cho biết.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG