Thị trường BĐS: Sẽ phục hồi từ quý III

 

Đó là nhận định của ông Vũ Xuân Thiện - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà & Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) về tình hình địa ốc hiện nay. BĐS&VLXD xin trân trọng gửi tới bạn đọc những ý kiến đưa ra của người đại diện cho cơ quan chỉ đạo về vấn đề nhà ở - thị trường BĐS khi trả lời báo chí.

Xin ông đánh giá tổng quan và điểm qua những nét đáng chú ý về thị trường BĐS hiện nay?

- Phải nói là trong những năm vừa qua, để ổn định và phát triển thị trường BĐS Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực BĐS như: Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở; Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo, nhà ở cho CNLĐ tại KCN, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; các bộ, ngành cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, tạo điều kiện để thị trường BĐS phát triển; trong những năm qua, nhiều dự án nhà ở, KĐTM tiếp tục được triển khai tăng nguồn cung cho thị trường.

Các tổ chức trung gian hỗ trợ thị trường BĐS dần được hình thành, đã đi vào hoạt động rộng khắp tạo sự sôi động của thị trường. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 932 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS đã từng bước đem lại diện mạo mới cho thị trường BĐS, tác động vào ý thức người dân để thay đổi dần tập quán giao dịch cũ, tâm lý mua bán theo “tin đồn”, “đám đông”. Hoạt động của các sàn giao dịch BĐS đang từng bước hình thành một thị trường minh bạch cho các nhà đầu tư BĐS và đem lại nhiều lợi ích cho người dân khi tiếp cận hàng hóa BĐS nhất là nhà ở, là kênh cung cấp thông tin thị trường quan trọng cho người dân và cho cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy vậy một vài năm vừa qua những cơn sốt giá nhà ở, sự bất ổn của thị trường BĐS, mức lợi nhuận cao trong kinh doanh BĐS đã làm sai lệch thông tin về nhu cầu thực sự của thị trường dẫn đến không ít DN đã đổ dồn đầu tư cho BĐS, kể cả các DN không có kinh nghiệm và năng lực tài chính; Một số dự án, huy động vốn tràn lan tạo nên nguồn cung ảo tăng vọt khiến thị trường phát triển thiếu lành mạnh.

Nhìn chung thị trường BĐS trên cả nước thời điểm hiện tại gần như “đứng im”, giao dịch rất khó khăn. Giá cả hàng hóa BĐS, nhất là giá nhà ở không ổn định, diễn biến phức tạp; Cơ cấu hàng hoá BĐS còn thiếu cân đối. Thị trường thiếu hàng hóa có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê; Tiến độ triển khai các dự án BĐS vẫn chậm, làm giảm khả năng cung cấp hàng hoá cho thị trường; Hiện tượng vi phạm trong kinh doanh BĐS cũng còn phổ biến, đặc biệt việc huy động vốn còn nhiều bất cập, gây mất ổn định cho thị trường BĐS.

Phú Điền - Chung cư Vinaconex Xuan Mai

Đâu là những lý do cơ bản dẫn tới tình hình này?

- Thị trường BĐS tại Việt Nam còn rất mới mẻ nên cũng chưa thể có đầy đủ khả năng ổn định khi gặp khó khăn lớn. Định hướng của thị trường vẫn chưa theo kịp sự phát triển của cơ chế thị trường và nhu cầu của xã hội, đặc biệt là chưa định hướng kịp thời, đầy đủ được các phân khúc đầu tư BĐS là nhà ở một cách hợp lý. Một số DN tham gia thị trường BĐS có ít kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp, năng lực tài chính rất hạn chế, năng lực về con người, về trình độ chuyên môn, trình độ quản lý còn nhiều bất cập. Thêm nữa, hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, thị trường vẫn phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng. Chính sách thắt chặt tiền tệ, siết chặt tín dụng đối với BĐS của chính phủ nhằm hạn chế lạm phát trong khi ngân hàng không điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng BĐS. Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa huy động được nguồn vốn rất lớn từ trong dân, do người dân vẫn chưa đặt hết lòng tin vào thị trường. Bên cạnh đó, việc cấp phép phát triển dự án tại một số địa phương còn khá dễ dãi, thậm chí nhiều địa phương cấp phép dự án nhà ở với quy mô lớn tại những nơi chưa có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đủ để phục vụ cho những nhu cầu tối thiểu về nơi ở, dự án ở xa trung tâm thậm chí là không nằm trong quy hoạch xây dựng đô thị và nhà ở, do vậy đã gây tâm lý bất ổn cho thị trường.

Ông dự đoán thế nào về tình hình thị trường trong năm 2012 khi quý I đang trôi qua gần hết? Và thời điểm sớm nhất (cũng như muộn nhất) để BĐS phục hồi là khi nào?

- Thị trường BĐS trong năm 2012 cũng còn nhiều khó khăn. Trong nửa đầu năm 2012 do vẫn phải chịu tác động của chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ nên việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng của các nhà đầu tư, của người dân khi có nhu cầu mua BĐS còn khó khăn cùng với lãi suất vẫn còn ở mức cao nên thị trường trong nửa đầu năm 2012 vẫn sẽ trầm lắng, khó khăn.

Đến nửa sau của năm 2012 thị trường BĐS sẽ có chiều hướng phục hồi ở tất cả các phân khúc của thị trường, nhưng nhu cầu chủ yếu tập trung ở phân khúc căn hộ giá thấp, giá trung bình và nhà biệt thự, nhà liền kề ở các dự án vùng ven có giá cả hợp lý. Tuy vậy khả năng tăng giá mạnh và xẩy ra đột biến khó có thể xẩy ra. Chính thời điểm này là thời điểm phù hợp nhất để người dân có thể mạnh dạn đầu tư, lựa chọn cho mình có chỗ ở hợp lý với giá cả phù hợp./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cảnh (BaoXayDung)