Nhiều nhà đầu tư (NĐT) ở Hà Nội đang ráo riết bán chung cư dưới giá gốc, chấp nhận lỗ để thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng (NH)… Dù vậy, chung cư vẫn ế chỏng chơ.
Cắt lỗ thăm dò
Tại khắp các khu đô thị (KĐT) mới của Hà Nội như Tân Tây Đô, Xa La, Vân Canh, Kim Chung Di Trạch, Dương Nội… những ngày qua, thông tin rao bán chung cư giá rẻ xuất hiện nhan nhản. Tại KĐT cao cấp The Price cuối đường Lê Văn Lương nối dài (Q.Hà Đông), một số NĐT kẹt tiền cuối năm đang phải bán thốc, bán tháo căn hộ. Chị T. nhà ở Cầu Giấy cho biết, ngày 15.12 vừa qua là lúc đáo hạn nợ NH 1 tỉ đồng nên chị phải rao bán gấp căn hộ 101,9m2, dù tòa chung cư 35 tầng hiện đã xây đến tầng 27, 28 và đã đóng tiền được 80%. “Bí quá không xoay đâu được nữa nên tôi chấp nhận bán giá 20 triệu đồng/m2, dù trước kia mua với giá 20,5 triệu đồng/m2” - chị T. nói. Một loạt các căn hộ khác tại đây cũng đang được rao bán với mức giá từ 20 - 22 triệu đồng/m2, thấp hơn từ 0,5 - 1 triệu đồng/m2 so với giá mua vào.
Cũng trên trục đường Lê Văn Lương, KĐT Dương Nội đang gặp cảnh ế ẩm. KĐT hoành tráng với quy mô đầu tư gần 20 nghìn tỉ đồng, rộng hàng trăm héc ta này được khởi công từ năm 2008, dự kiến hoàn thành 2013, nhưng đến nay chỉ trơ trọi 1 tòa nhà văn phòng và mấy tòa chung cư dở dang. Tiến độ rùa bò của dự án khiến nhiều NĐT phát chán, tin rao bán chung cư giá rẻ, lỗ, xả, tháo hàng… nhiều như nấm mọc sau mưa mà không thấy có mấy người mua. Thậm chí, nhiều NĐT chấp nhận chịu phạt, bỏ hợp đồng nhưng chủ đầu tư vẫn cố níu kéo. Anh Đạt nhà ở Q.Long Biên, mua căn hộ 80m2 khu CT8B, Dương Nội gần 1 năm nay, chậm đóng tiền hợp đồng đợt 2 nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thanh lý hợp đồng mà chỉ khuyên anh nên nộp phạt 100 triệu đồng để tiếp tục cùng nhau đồng hành. Một NĐT khác là chị Hà cũng mua 1 căn hộ tại đây với giá 21 triệu đồng/m2, hiện đang rao bán với giá 20,5 triệu đồng/m2 nhưng cả tháng nay không có khách nào hỏi mua. Theo giám đốc một doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS), đây là thời điểm “người khôn, của khó”, NH siết vốn đã khiến chủ đầu tư lao đao, nhiều NĐT nhỏ lẻ hết vốn, buộc phải bán giảm giá. Ông nhận xét: “Có vẻ như người bán đang cắt lỗ vừa phải để thăm dò phản ứng của thị trường trước, nhưng người mua giờ đây rất tỉnh táo, họ còn chờ giá xuống nữa mới mua”.
Ở khu vực phía tây, dọc theo QL32 xuống Nhổn, và Hoài Đức, thị trường đóng băng hoàn toàn. Dự án Kim Chung Di Trạch mới xây được mấy khu nhà liền kề, dự án Tân Tây Đô vài tháng nay giậm chân tại chỗ… Anh Tùng (ngụ Ba Đình, Hà Nội) mua căn hộ tại dự án Tân Tây Đô tòa nhà HHB diện tích 90,6m2, giá 15,5 triệu đồng/m2, nay chấp nhận bán lỗ 15,3 triệu đồng/m2. “Không chỉ vậy, tôi còn chịu cả phí bao tên vào chủ đầu tư, phí bảo trì sau này nữa rồi mà vẫn chưa thấy có ai hỏi han gì”, anh Tùng nói.
|
Còn tiếp tục giảm
Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Century Group (chuyên tư vấn BĐS), có nhiều nguyên nhân khiến các NĐT bán lỗ do niềm tin vào thị trường giảm sút, thuế BĐS cao nhưng chủ yếu là do họ không còn nhìn thấy lợi nhuận gì từ kênh đầu tư này nên chuyển qua các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Cũng theo chuyên gia này, giá BĐS có thể giảm tiếp, tới mức phù hợp hơn với nhu cầu thực của khách hàng.
Tổng giám đốc một NH lớn tại Hà Nội khẳng định, NH ông sẽ giảm mạnh tín dụng vào BĐS, chỉ tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu và các DN sản xuất, kinh doanh. “Nếu có cho vay thì thủ tục cũng rất chặt chẽ và lãi suất sẽ phải cao hơn, chúng tôi phải thay đổi chiến lược kinh doanh vì thị trường BĐS còn khó khăn trong năm tới”, ông nói. Một lãnh đạo cấp cao của Agribank cũng nhận định là khó có cơ hội nào cho BĐS trong năm 2012. “BĐS chỉ ấm lại khi nền kinh tế tăng trưởng cao. Nhưng Chính phủ đã lựa chọn mức tăng GDP vừa phải, nếu không nói là ở mức thấp so với nhiều năm qua để ổn định vĩ mô. Vì vậy, BĐS khó có thể hồi phục sớm trong 2012”, vị này nói.
Anh Vũ(Thanhnien)