BĐS "đóng băng": Bùng nổ nợ khó đòi trong xây dựng

BĐS lao dốc đã đẩy nhiều nhà thầu xây dựng vào cảnh khốn khó. Tiền trả lương công nhân, tiền mua vật liệu, thiết bị liên tục tăng trong khi chủ đầu tư thì lặn mất tăm hoặc tung ra đủ chiêu... khất nợ.
 
BĐS "đóng băng": Bùng nổ nợ khó đòi trong xây dựng | ảnh 1
Thuỷ điện Hương Điền đã phát điện thương mại gần 2 năm vẫn nợ đầm đìa các nhà thầu.
Nợ nần lan tràn

Tính đến cuối tháng 9-2012, ngay cả khi hai tổ máy công trình thuỷ điện Hương Điền (Thừa thiên Huế) đã hoàn thành và phát điện thương mại được gần 2 năm thì cả chục nhà thầu của công trình này vẫn nhớn nhác gõ cửa khắp nơi để đòi nợ chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư HD.

Ông Quách Văn Bình, Trưởng ban điều hành gói thầu XL18 thuỷ điện Hương Điền thuộc nhà thầu Licogi18 cho hay, doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh rất khó khăn do chủ đầu tư thuỷ điện nợ kéo dài với số tiền lên tới 32 tỷ đồng. Licogi18 vừa phải ngậm đắng nuốt cay còng lưng để trả lãi ngân hàng, vừa đành xót xa khi phải khất nợ hàng tỷ đồng lương của những người nhiều năm gắn bó với mình.

Theo đại diện Licogi18, nếu quản lý tốt, lợi nhuận của nhà thầu chỉ vào khoảng 3% giá trị hợp đồng nhưng nay bị nợ đọng kéo dài thì coi như không chỉ mất lãi mà còn “ăn vào thịt xương”. “Công nhân sống chỉ trông vào đồng lương mà nay phải nợ của họ chúng tôi thấy xót xa lắm”-ông Bình chia sẻ.

Ông Đoàn Trắc Ngọc, đại diện nhà thầu Lilama 10 tham gia xây dựng thuỷ điện Hương Điền cho biết, chủ đầu tư thuỷ điện đến nay vẫn nợ hơn 13 tỷ đồng, trong đó nhà thầu đã hoàn tất hồ sơ thanh toán 7,5 tỷ đồng gửi chủ đầu tư nhưng cũng không thấy hồi âm.

“Những khoản nợ khó đòi đang đè nặng lên vai doanh nghiệp và đã dập tắt các cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất”-ông Ngọc nói. Theo ông Nguyễn Bình Dương, Tổng giám đốc Công ty CP Cơ điện và Xây dựng VN (Meco), chủ đầu tư thuỷ điện Hương Điền hiện còn đang nợ nhiều nhà thầu khác với số tiền lên tới cả trăm tỷ đồng.

Trong đó, riêng nợ Meco đã lên tới gần 30 tỷ đồng, nợ các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Sông Đà gần 28,8 tỷ đồng tỷ đồng, Licogi 16 gần 22 tỷ đồng, Tổng Cty Agrimeco gần 25 tỷ đồng...Liên quan đến bất động sản, Tổng Giám đốc một công ty thiết kế - quản lý dự án cho biết nhằm trì hoãn tiến độ thanh toán, chủ đầu tư dự án căn hộ lớn trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) thường xuyên yêu cầu bổ sung thủ tục, giấy tờ rất vô lý hoặc trì hoãn các cuộc làm việc, xác nhận công nợ...

Ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam khẳng định, tình trạng chiếm dụng vốn, nợ nần trong xây dựng là chuyện thường xảy ra nhưng đến thời điểm hiện nay khi kinh tế, bất động sản, tín dụng khó khăn thì lại càng trầm trọng hơn bao giờ hết.

Trao đổi với PV, ông Phạm Tuấn Anh, Chánh toà Kinh tế, TAND thành phố Hà Nội khẳng định, trong năm 2011 và 2012, số các vụ án kinh tế, đặc biệt là tranh chấp trong thanh toán, giải quyết công nợ, tài chính, thực hiện các dự án xây dựng tăng vọt lên tới gần 40% mỗi năm ở cả cấp quận, huyện và thành phố. “Trong nhiều vụ án kể cả sau khi toà xử xong, bản án có hiệu lực nhưng chủ đầu tư cũng không có tiền để trả cho các nhà thầu”-ông Phạm Tuấn Anh cảnh báo.

Khe hở luật pháp

Ông Vũ Gia Quỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN cho hay, tình hình hoạt động của các nhà thầu xây dựng đang rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay trong khi đó pháp luật đang rất thiếu các quy định để bảo vệ quyền lợi cho họ.

Cũng theo ông Quỳnh, Hiệp hội đã có văn bản gửi Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về bảo lãnh ngân hàng đối với nguồn vốn triển khai các công trình, dự án. Một dự án đủ điều kiện đưa ra đấu thầu phải được thẩm định rất nghiêm ngặt về nguồn vốn và phải có mặt bằng sạch. Đại diện Hiệp hội nhà thầu lưu ý đang có tình trạng chủ đầu tư thông đồng với các bên để lừa nhà thầu hoặc đẩy nhà thầu vào tình thế rất bất lợi, thậm chí thiệt hại nặng do sự lỏng lẻo trong thẩm định dự án hiện nay.

Một bất hợp lý khác, theo ông Nguyễn Bình Dương, Tổng giám đốc Meco, ngay cả khi thuỷ điện không có xác nhận nghiệm thu của các nhà thầu mà vẫn được phát điện thương mại là vi phạm Quy trình quản lý chất lượng xây dựng các công trình thuỷ điện. Đây là dấu hỏi lớn đôi với cơ quan chức năng đã cấp phép cho chủ đầu tư phát điện thương mại...

“Trước tình trạng nợ nần tràn lan của chủ đầu tư, chúng tôi nghi ngờ về các nguồn vốn đối ứng theo quy định. Liệu có tình trạng chứng nhận khống về vốn đối ứng để qua mặt cơ quan thẩm định hay không?” -ông Dương đặt câu hỏi.

Trong khi Công ty CP Đầu tư HD là chủ đầu tư thuỷ điện Hương Điền cho biết đang nợ các nhà thầu lên tới gần 200 tỷ đồng thì Công ty Mua bán điện thuộc EVN khẳng định, thuỷ điện này đã bán được gần 290 tỷ đồng tiền điện từ năm 2010 đến nay.
                                                                                                                                                                                                     (Theo TPO)