Gạch block nhẹ thay gạch truyền thống
Khi xây dựng nhà cao tầng, chủ đầu tư luôn tìm cách thiết kế kết cấu sao cho bền vững với giá thành hợp lý nhất. Móng của công trình là phần quan trọng số một, nhưng kết cấu lại phụ thuộc vào cấu tạo địa chất và tổng khối lượng của toàn bộ công trình. Thay đổi cấu tạo địa chất nơi công trình xây dựng là một việc rất khó. Giải pháp khả thi hơn cả là tìm cách giảm tổng trọng lượng của công trình. Do đó, việc sản xuất thành công gạch block nhẹ được xem như là cuộc cách mạng trong ngành xây dựng…
Gạch block nhẹ hoặc siêu nhẹ (còn gọi là bêtông nổi trên mặt nước) có nhiều đặc tính vượt trội: không sử dụng đất và nhiên liệu để nung, không thải ra các khí độc hại, góp phần bảo vệ môi trường.
Nguyên liệu để sản xuất gạch blok nhẹ bao gồm: ximăng, cát, nước và phụ gia tạo bọt. Hỗn hợp này sau khi qua máy trộn sẽ được rót vào khuôn với kích thước theo yêu cầu của khách hàng. Phụ gia tạo bọt có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và giá thành của sản phẩm. Loại phụ gia này-chất tạo bọt Neopor, trước đây thường phải nhập khẩu. Hiện nay, Công ty cổ phần Minh Nghĩa và Công ty Đầu tư - Phát triển nhà và Khu công nghiệp Đồng Tháp đã nghiên cứu sản xuất thành công chất phụ gia tạo bọt bằng nguyên liệu trong nước.
Gạch block nhẹ có nhiều lợi thế so với gạch đất nung, dễ dàng cưa, cắt, đóng đinh…, trọng lượng chỉ bằng khoảng 50% gạch đất nung và bằng khoảng 1/3 bêtông thường. Kích thước viên gạch có thể thay đổi theo đặt hàng và chỉ cần thay khuôn (kim loại), ít tốn kém lại dùng được nhiều lần.
Từ chất phụ gia tạo bọt, có thể sản xuất “ván bêtông nhẹ” để làm vách, trần nhà ở nông thôn xây dựng trên nền đất yếu, bền hơn rất nhiều so với ván gỗ tạp, rẻ hơn so với xây tường gạch; thi công nhanh do kích thước lớn, tốn ít vữa xây...
Loại gạch này nếu sử dụng để xây nhà cao tầng sẽ rẻ hơn khoảng 5%- 7% so với gạch đất nung. Trong tương lai, giá có thể rẻ hơn khi gạch block được sử dụng phổ biến và sản xuất đại trà.
Nếu không cố gắng giảm trọng lượng nhà cao tầng, thì việc xây dựng nhiều cộng với tình trạng khai thác nước ngầm ở những vùng đất yếu sẽ gây lún từng khu vực như đã xảy ra tại một số nước, rất khó xử lý và tốn kém. Cách giải quyết tốt nhất là kêu gọi nhiều nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực chuyển đổi vật liệu mới và khuyến khích sử dụng loại vật liệu này.
Nguồn: "Báo Sài Gòn Giải phóng"