Chống nóng hiệu quả cho nhà bạn

Mùa hè đến, chống nóng cho nhà ở lại trở nên "nóng". Theo các chuyên gia, thị trường vật liệu chống nóng rất đa dạng, nhưng quan trọng là phải chọn được loại phù hợp với kiến trúc từng ngôi nhà.

Khổ vì nhà nóng

Ông Lê Minh Hải (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) chia sẻ với phóng viên: Chẳng hiểu nhà tôi thiết kế xây dựng kiểu gì mà tầng trên cùng nóng không thể ở được. Dù khi làm nhà, tôi đã mua gạch chống nóng về lát trên trần, nhưng cứ ngày nắng là mấy phòng đó hầm hập như trong lò bánh mỳ không thể ở được. Tầng đó chỉ sử dụng được vào mùa đông, đến mùa hè là phải "di cư" xuống tầng dưới.

Chị Phạm Trà My (ngõ 490 Kim Mã, Hà Nội) than thở: Năm ngoái nhà tôi mua một đống tấm nhựa cách nhiệt về làm chống nóng. Chống nóng đâu chẳng thấy, chỉ thấy nhà trở thành đại bản doanh của ổ chuột. Song không dám phá vì sợ ảnh hưởng đến kết cấu tường nhà.


Loạn thị trường vật liệu chống nóng

ThS Trịnh Minh Đạt, Viện Vật liệu Xây dựng khẳng định, khi xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp rất cần quan tâm đến phương án chống nóng, điều hoà không khí sao cho việc hấp thụ nhiệt năng của công trình là thấp nhất. Hiện nay, thị trường vật liệu chống nóng khá đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều vật liệu được sản xuất bằng công nghệ trong nước.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện thị trường có các loại vật liệu chống nóng như gạch chống nóng 8 lỗ hay gạch chữ U, tấm polynum, tôn mạ kẽm cán lớp, gạch hourdis, gạch bọng chống nóng, xốp chống nóng. Bên cạnh đó, các loại ốp trần chống nóng còn có rất nhiều mẫu mã như giả vân gỗ, vân đá... Tuy vậy, để chọn được loại vật liệu phù hợp với ngôi nhà cũng không dễ. ông Nguyễn Mạnh Thắng, ngõ 92 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội than thở: "Tôi đã đi dạo khắp thị trường Hà Nội nhưng thật sự là loạn. Tôi không biết là nên chọn loại vật liệu chống nóng nào thì phù hợp với thiết kế ngôi nhà của mình".

Chọn vật liệu phù hợp kiến trúc ngôi nhà

KS Nguyễn Xuân Hoan, người chuyên thầu các công trình nhà ở cho biết, thị trường vật liệu chống nóng đa dạng, nhưng quan trọng là phải chọn được loại phù hợp với từng kiến trúc ngôi nhà. Ví dụ, các dạng gạch bọng hourdis, gạch chống nóng 8 lỗ hay gạch chữ U dùng lát trực tiếp trên mặt bê tông và bên trên có thể láng vữa lát gạch tàu, gạch men... bình thường. Chính các lỗ rỗng trong viên gạch đã làm giảm sức hấp nhiệt. Có thể do mua phải gạch không đúng thiết kế trên nên mới có hiện tượng làm cho nhà nóng hơn dù đã dùng gạch chống nóng. Ví dụ khác, một trong các loại vật liệu lợp thông dụng là tôn. Nhưng tôn có nhược điểm là hấp thụ nhiệt cao, gây hầm nóng. Các nhà sản xuất đã khắc phục bằng cách ép dính lớp PU (polyurethane) dày 1,6cm dưới tôn để cách nhiệt. Các tấm PU này sẽ giảm được điện năng tiêu thụ so với sử dụng tôn thông thường. Một căn phòng dưới mái tôn 30m² thường phải dùng hai quạt mới mát nhưng nếu sử dụng tôn cách nhiệt thì chỉ một quạt là đủ.

Gạch chữ U chống nóng Phú Điền - giải pháp chống nóng hiệu quả cho mái đúc bê-tông

Gạch chữ U chống nóng Phú Điền - giải pháp chống nóng hiệu quả cho mái đúc bê-tông

Nên chọn vật liệu phù hợp kiến trúc căn nhà đang ở

Đối với các loại vật liệu chống nóng là xốp nhựa (loại vật liệu khá mỏng gồm một mặt nhựa chịu nhiệt với nhiều lỗ thông hơi, mặt kia là kim loại kiểu giấy bạc thuốc lá có tác dụng phản xạ nhiệt). Loại vật liệu này thường đi kèm với một loại tôn nhập ngoại nhưng hiện cũng có bán tại một số cửa hàng vật liệu xây dựng. Xốp nhựa mặt kim loại dùng cách nhiệt đối với những nhà sử dụng mái tôn bằng cách dán lớp xốp này sát bề mặt dưới của tôn...

Ngoài chống nóng bằng vật liệu xây dựng, người ta có thể chống nóng bằng nhiều phương pháp khác như bố trí không gian (nếu nhà có mặt tiền quay hướng chính Tây, không nên dùng các loại cửa lớn, cửa kính mà chọn các cửa sổ nhỏ có ô văng che nắng), trồng cây xanh trong nhà (đặt các chậu cây nhỏ hoặc chậu cây treo trên lối đi hành lang và trên bậu cửa), thiết kế sân trong, giếng trời để tăng cường đối lưu không khí...

Năm 1990, Viện Vật liệu Xây dựng đã tiếp nhận công nghệ và thiết bị sản xuất 2 mẫu ngói XM/C là Roman II và Pantile từ hãng John Fazzy (Vương quốc Anh), từ đó nghiên cứu hoàn thiện vào điều kiện cụ thể của từng địa phương ở nước ta. Kết quả đã phổ biến cho nhiều địa phương trên cả nước. Năm 2003 - 2004, Viện cũng triển khai đề tài nghiên cứu "Công nghệ sản xuất các sản phẩm xi măng sợi polyvinylalcolhol (PVA/C)" nhằm đa dạng hoá sản phẩm tấm lợp, tấm phẳng.

Theo: Bản tin phổ biến kiến thức của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam