Thị trường sẽ tiến dần về “giá trị thực”
Những đợt sóng “đại hạ giá” trên thị trường bất động sản (BĐS) vừa qua không hề tạo nguy cơ khủng hoảng, mà ngược lại, đang nhen nhóm những tín hiệu vui cho người tiêu dùng…
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Đặng Hùng Võ đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên tamnhin.net. Theo ông Võ, chúng ta có thể hy vọng vào một thị trường BĐS minh bạch và đang tiến dần về “giá trị thực”…
* Thưa Giáo sư, ông nhìn nhận thế nào về bản chất những đợt sóng “đại hạ giá” trên thị trường BĐS vừa qua? Liệu đây có phải là sự khởi đầu cho một làn sóng “bán tháo”?
GS, TSKH Đặng Hùng Võ: Trước hết, tôi không cho rằng những đợt hạ giá sâu trên thị trường BĐS, cụ thể là BĐS ở TP Hồ Chí Minh vừa qua, là những cuộc “bán tháo”.
Theo tôi, đó đơn giản chỉ là sự ứng phó khôn ngoan của các chủ đầu tư trong bối cảnh thị trường trầm lắng và nhu cầu thu hồi vốn cao vào cuối năm. Sự khó khăn chung của nền kinh tế tác động tới tất cả các lĩnh vực chứ không riêng gì BĐS. Để trả nợ ngân hàng vào dịp cuối năm, đồng thời đẩy nhanh hàng hóa, chủ đầu tư hạ giá cũng là điều dễ hiểu.
Theo tính toán, thì dù có “đại hạ giá” đến 30 – 40% đi chăng nữa, chủ đầu tư BĐS vẫn còn có lãi! Vì vậy, không có căn cứ để lo ngại một làn sóng “bán tháo” có thể diễn ra làm đổ vỡ thị trường…
* Hiện tượng “đại hạ giá” chỉ diễn ra trên thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh, còn với Hà Nội, dù vẫn rất trầm lắng, nhưng giá cả chỉ giảm nhẹ, thậm chí nhiều phân khúc “đứng giá”… Nguyên nhân nào dẫn tới xu hướng trái chiều này, thưa ông?
Thị trường BĐS Hồ Chí Minh và Hà Nội khác nhau về bản chất. Có thể nói, nếu các chủ đầu tư BĐS HCM sử dụng vốn vay ngân hàng là chủ yếu, thì ngược lại, thị trường BĐS HN dựa vào sức dân, dùng vốn của người dân là chính, dưới hình thức “mua bán nhà trên giấy” – kêu gọi khách hàng cùng góp vốn cho sản phẩm BĐS sẽ hình thành trong tương lai.
Cụ thể, vốn vay thương mại của thị trường BĐS HCM gấp 3 – 4 lần so với thị trường HN, nên áp lực trả nợ ngân hàng cuối năm của thị trường BĐS HCM lớn hơn HN rất nhiều. Mặt khác, về cơ bản, nguồn cung của thị trường BĐS HCM cũng dồi dào hơn thị trường HN, cơ chế đầu tư cũng thông thoáng hơn, nên vốn dĩ giá BĐS HCM là rẻ hơn nhiều so với HN…
Vì vậy, những đợt sóng đại hạ giá chưa có cơ hội diễn ra trên thị trường BĐS HN như thị trường BĐS HCM.
* Như vậy, có thể nói tính chuyên nghiệp của thị trường BĐS HCM là cao hơn thị trường BĐS HN? Tại sao, thưa GS?
Thực ra, thị trường BĐS HCM phát triển trước HN khoảng hơn chục năm, nên vận động theo quy luật thị trường nói chung của BĐS HN chậm hơn một bước so với HCM cũng là điều dễ hiểu.
Mặt khác, vì là Thủ đô của cả nước, nên thị trường HN vẫn “đắt đỏ” hơn do cầu cao hơn HCM rất nhiều… Thực tế này dẫn tới thị trường BĐS HN nhiều lúc bị méo mó, vận hành không đúng quy luật. Khẳng định tính chuyên nghiệp của thị trường BĐS HCM cao hơn nhiều so với BĐS HN, vì vậy, là hoàn toàn hợp lý.
* Đằng sau những cuộc “đại hạ giá” vừa rồi, liệu người tiêu dùng có được hưởng lợi gì không, thưa GS?
Như tôi đã phân tích, hiện tượng giảm giá mạnh của hàng loạt các dự án BĐS trên thị trường HCM thời gian qua là phù hợp với bối cảnh hiện nay, nên hoàn toàn không có gì đáng lo ngại. Ngược lại, đứng về góc độ người tiêu dùng, đây chính là một tín hiệu vui.
Nói vậy không có nghĩa khách hàng phải mua ngay, mua được các sản phẩm BĐS “đại hạ giá”, mà lợi ích ở đây là lợi ích tính về lâu dài. Thị trường có một đợt giảm sâu sẽ báo hiệu những đợt điều chỉnh tiếp theo, tiếp theo nữa, đưa giá BĐS tiến dần về “giá trị thực”. Bởi theo thống kê, giá BĐS nước ta hiện đang đứng hàng đầu thế giới, ngang với Mỹ, Hồng Kông, Singapore… Đó là điều hết sức vô lý!
Trong khi giá BĐS của các nước phát triển chỉ gấp 4 đến 5 lần so với thu nhập bình quân, thì giá BĐS Việt Nam lại gấp tới 25 lần so với thu nhập bình quân….
Thực tế này phải được thay đổi, và sẽ được thay đổi. Tất nhiên là cũng phải có lộ trình. Và chúng ta có thể hy vọng, những đợt “đại hạ giá” BĐS như vừa rồi, chính là những tín hiệu vui ban đầu!...
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn