"Phá giá" căn hộ: Thật hay chiêu trò?
Trong khi thị trường bất động sản rất khó khăn, tính thanh khỏan thấp, đã có một số chủ đầu tư, "đại gia" bất động sản "đánh tiếng" sẽ bán phá giá căn hộ. Đây sẽ là cơ hội tốt cho người mua hay chỉ là một "mánh" làm ăn?
Nếu nhìn từ góc độ bài toán tài chính, có thể nói đây là thời điểm thích hợp để mua nhà. Sản phẩm nhiều, giá thực, chế độ thanh toán linh hoạt... là điều mà cách đây 5 năm, người mua có mơ cũng không thấy được. Theo đó, bên cạnh những dự án đang mở bán, người mua vẫn có thể tiếp cận các dự án đã bàn giao nhà (theo đúng vị trí mong muốn) với khoản chênh lệch không đáng kể so với thị trường sơ cấp. Chưa dừng lại ở đó, gần đây, không ít doanh nghiệp từ Nam chí Bắc đồng loạt tung tin sẽ “bán phá giá” dự án.
Làn sóng “bán phá giá”, giảm giá thực chất đã không còn mới, vì tháng 2/2009, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của “bầu” Đức cũng đã “khai pháo” với việc giảm giá hai dự án căn hộ: Hoàng Anh River View, quận 2, Tp.HCM (từ 2.300 USD/m2 xuống 1.350 USD/m2) và Phú Hoàng Anh, huyện Nhà Bè (từ 1.800 USD/m2 xuống 1.250 USD/m2).
Tiếp sau đó, năm 2011, Công ty Sài Gòn Mekong công bố giảm giá dự án An Tiến (quận Nhà Bè), còn PVL với dự án Petro Vietnam Landmark Tower (quận 2) cũng đưa thông tin giảm giá đến 35%.
Giới kinh doanh nhà đất và những người có nhu cầu hiện đang chờ đến tháng 6, như “bầu” Đức đã phát biểu để mua căn hộ giảm giá đến 50% tại 2 dự án của HAGL.
Từ trước đến nay, “bầu” Đức luôn làm được những điều mình tuyên bố, nhưng chẳng biết, sự thể kỳ này sẽ đi đến đâu? Song, xét về mặt truyền thông trước bán hàng, xem ra HAGL đã tạo được sự chú ý cho các dự án lẫn khơi dậy tâm lý “chờ đợi” của người tiêu dùng.
Giảm giá, “phá giá” căn hộ rõ ràng là tín hiệu tốt cho người mua. Tuy nhiên, việc giá căn hộ có bị phá hay không thì đây là điều người tiêu dùng khó thẩm định được.
Bởi, họ có thể nhìn thấy được giá trị của sản phẩm mình mua dựa trên vị trí dự án, thương hiệu chủ đầu tư lẫn khối tài sản hiện hình, còn giá thành thực của mỗi m2 căn hộ (tính toán dựa trên chi phí xây dựng, vật liệu sử dụng, kỹ thuật móng, cọc...) là câu chuyện để “hạ hồi phân giải”.
Đó là chưa nói, nhiều dự án trước đây đã “treo giá” khá cao, khi thị trường hạ nhiệt, đành phải chạy theo chiêu “nước xuống thuyền cũng xuống” theo.
Chính vì vậy, việc chủ đầu tư của một dự án bất động sản có thực sự áp dụng chiến lược giảm giá hay không lại còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chứ chẳng đơn thuần là một lời tuyên bố. Trên thực tế, chuyện “phá giá căn hộ” của HAGL không chỉ liên quan đến người mua mà ở một mức độ nào đó, thị trường liệu có bị “sốc” mạnh sau “liều thuốc” này?
Năm 2011, khi dự án An Tiến giảm giá, dư luận cũng dấy lên câu hỏi: sau An Tiến, sẽ có nhiều dự án đồng loạt giảm theo? Song, mãi đến thời điểm này, chưa nhà phát triển nào công bố mức giảm như thế.
Tuy thế, tình hình năm nay sẽ không dễ cho khối doanh nghiệp BĐS, bởi để giải quyết vấn đề nợ vay, duy trì hoạt động,... chắc chắn sẽ có không ít doanh nghiệp đi theo hướng của HAGL, vấn đề là HAGL phải là người “thử thuốc” trước. Khổ nhất trong “cuộc chơi” này vẫn là những doanh nghiệp sở hữu dự án đang bán dở dang.
Theo đó, những dự án trước đây niêm yết với giá quá cao sẽ khó thực hiện chiến lược giảm giá để cạnh tranh với các dự án mới mở bán, cùng phân khúc, ở những vị trí lân cận vì dù sao cũng đã “há miệng mắc quai” (nếu giảm, những trường hợp đã mua sẽ khiếu nại).
(Theo DNSG)