Cần chủ động đón đầu cơ hội phục hồi
Huy động các nguồn vốn cho thị trường như thế nào là vấn đề được các DN BĐS thảo luận sôi nổi nhất tại Hội nghị do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức ngày 17/3 vừa qua tại Hải Phòng.
Đa dạng hóa huy động vốn
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, nguồn tài chính tác động tích cực đến thị trường BĐS là nguồn kiều hối tăng trưởng ổn định trong những năm qua. Riêng năm 2011 đã có khoảng 9 tỷ USD kiều hối và có 51% dành cho BĐS. Dự báo năm 2012, kiều hối vẫn là một nguồn bổ sung cho thị trường BĐS. Ngoài ra, vốn ODA cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng. Cam kết ODA năm 2012 dự kiến 7,4 tỷ USD. Thị trường BĐS đóng góp lớn cho nền kinh tế, chiếm 10% GDP của cả nước. Từ 2007 - 2010, tổng vốn đầu tư vào ngành là 109 nghìn tỷ đồng (trong nước), vốn FDI là hàng chục tỷ USD, giải ngân thực tiễn trên 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, đề xuất quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư, quỹ đầu tư BĐS cũng đang được nghiên cứu. Nếu được áp dụng, các mô hình này sẽ là cơ sở cung cấp những nguồn vốn mới, dồi dào nhằm khơi dậy và ổn định thị trường BĐS trong thời gian tới.
Dự báo đến cuối năm 2012, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khá lên, từ đó các thị trường có thể khôi phục lại, trong đó có thị trường BĐS. Vì vậy, các DN cần chủ động điều chỉnh mục đích, dự án của mình đón đầu cơ hội phục hồi. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng lưu ý với các DN xem xét thu nhỏ diện tích căn hộ cũng như tính toán đến việc lâu dài sẽ dành một tỷ lệ nhất định trong dự án để cho thuê. Việc này một mặt làm theo định hướng của Chính phủ, mặt khác cũng là để DN tính đến con đường phát triển với phương châm hướng đến sản phẩm phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người dân.
Lãi suất ngân hàng - DN chưa được tiếp cận
Ông Trần Minh Hoàng - Tổng giám đốc VinaLand nhận định: Khả năng phát triển thị trường BĐS 2012 phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào và tín dụng nới lỏng. Lãi suất ngân hàng giảm, trái phiếu Chính phủ đầu tư cho xã hội sẽ tạo tín hiệu tốt cho thị trường.
Tuy nhiên ông Đàm Quang Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đà Nẵng lại băn khoan khi cho rằng: “Lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay giảm theo có thực hiện được hay không, DN có được vay không cần có độ trễ nhất định, vì ngân hàng cần có sự điều chỉnh. Theo tôi được biết thì đến thời điểm này, chưa có DN BĐS nào tại Đà Nẵng được vay nguồn vốn từ ngân hàng”.
Trước tình trạng ảm đạm của thị trường, ông Nguyễn Quốc Chung - Tổng giám đốc Vinacomin Land kiến nghị: DN phải bỏ nhiều chi phí cho đền bù giải phóng, san lấp mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng và thi công móng xong mới được bán sản phẩm theo quy định. Trong tình cảnh khó khăn như hiện nay không tiêu thụ được sản phẩm dẫn đến không triển khai tiếp được, ảnh hưởng đến việc nộp thuế chậm, chậm làm sổ đỏ cho người dân. Giải pháp bảo vệ quyền lợi cho dân và DN hiện nay là Nhà nước có cơ chế tạo điều kiện giãn quãng và thu tiền theo giai đoạn”.
Như vậy, mặc dù có chính sách mới từ Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, tuy nhiên hiện các DN vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ kênh tài chính này mặc dù đây được coi là động thái tích cực đối với thị trường BĐS 2012. Mặt khác, có chuyên gia kinh tế cho rằng mức lãi suất giảm 1% chưa đủ sức thuyết phục và độ tác động cần thiết để nguồn vốn quay lại thị trường nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, các DN vẫn phải tự mình vận động, cầm cự tiếp tục duy trì hoạt động, chủ động xây dựng chiến lược phát triển riêng của mình để thích ứng.
Thị trường căn hộ đang bỏ ngỏ một khoảng trống của phân khúc căn hộ nhỏ diện tích từ 30 - 70m2 để bán cho những người có nhu cầu thực, phù hợp với khả năng tài chính. Bên cạnh đó, mảng phân khúc nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội vẫn còn đang thiếu. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư BĐS trong năm 2012 và những năm tiếp theo.