Doanh nghiệp ngành thép bế tắc
Mặc dù các bộ, ngành, hiệp hội liên tiếp cảnh báo về dư thừa công suất, nhưng các dự án sản xuất thép vẫn "mọc lên như nấm" ở các địa phương. Điều này không chỉ phá vỡ quy hoạch ngành, mà còn khiến công nghiệp thép rơi vào khủng hoảng thừa như hiện nay. Doanh nghiệp (DN) lâm vào cảnh bế tắc, còn các cơ quan quản lý đang loay hoay với bài toán cung - cầu.
Khốn đốn vì khủng hoảng thừa
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), chỉ một năm sau khi Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015", VSA đã có công văn gửi Chính phủ, Bộ Công thương cảnh báo về tình trạng đầu tư tràn lan ở các địa phương. Vì nôn nóng thu hút đầu tư, thay vì xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, nhà đầu tư cùng địa phương chia đôi dự án để dễ được đầu tư. Điều này khiến cho sản xuất thép xây dựng phát triển quá "nóng" ở nhiều địa phương, đẩy ngành thép vào tình trạng dư thừa công suất như hiện nay. Trong khi đó, nhu cầu thép cán nóng, thép chế tạo, thép không gỉ… rất lớn lại không có DN nào đầu tư sản xuất.
Giải thích về vấn đề bức xúc này, VSA cho biết, do được phân cấp, các địa phương không lường hết khó khăn và dễ dàng chấp nhận các dự án dẫn đến phá vỡ sự cân đối về số lượng và chủng loại sản phẩm thép. Bên cạnh đó, do không chọn lọc kỹ đối tác về tiềm lực tài chính, về công nghệ nên khi có những biến động kinh tế thì đối tác thường kéo dài tiến độ, thậm chí là dừng việc thực hiện dự án. Có một số dự án phải thu hồi giấy phép vì đối tác không có khả năng thực hiện, một số dự án sử dụng công nghệ lạc hậu tác động tiêu cực đến môi trường, biến Việt Nam thành nơi tập kết của những nhà máy sản xuất tiêu tốn năng lượng.
Hiện nay cả nước có hơn 400 DN thép các loại, trong đó có gần 120 DN sản xuất thép xây dựng, nhưng chỉ có 26 DN nằm trong quy hoạch. Dự kiến, cả năm 2012 công suất lên đến 9 triệu tấn (chưa kể 5 nhà máy công suất 1,5 triệu tấn sắp hoạt động), trong khi tiêu thụ cả nước chỉ đạt gần 6 triệu tấn/năm. Ngành thép dư thừa công suất, trong khi thị trường bất động sản - một trong những lĩnh vực tiêu thụ thép lớn nhất chưa có dấu hiệu phục hồi, đầu tư công và dân dụng cũng giảm mạnh trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay khiến lượng thép tồn kho ngày càng lớn. Nhiều DN thép phải sản xuất cầm chừng để tồn tại, thậm chí phá sản. Trong khi đó, với việc hội nhập quốc tế sâu rộng, hàng rào thuế quan của Việt Nam phải giảm dần theo lộ trình cam kết WTO và AFTA (Khu vực tự do mậu dịch ASEAN), thép nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN với ưu thế giá rẻ sẽ càng tạo thêm áp lực cạnh tranh với các DN thép trong nước. Gần đây, nhiều DN đã tính chuyện xuất khẩu (XK) để giảm tồn kho. Nhưng hướng đi này cũng không thuận lợi khi kinh tế thế giới chưa hết khó khăn cùng với những rào cản thương mại của nước sở tại, các vấn đề liên quan đến chống bán phá giá. Nhìn vào con số XK 2 triệu tấn thép các loại của năm 2011, Việt Nam thu về gần 2 tỷ USD, tăng hơn 56% so với năm 2010, nhưng lợi nhuận so với các ngành khác rất thấp.
Loay hoay bài toán cung - cầu
Bộ Công thương nhận định, năm 2012 ngành thép tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn bởi nền kinh tế chưa thể khởi sắc. Để tiêu thụ được sản phẩm trong bối cảnh hiện nay, các DN phải đầu tư nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành và tìm thị trường XK trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, để hạn chế ở mức thấp nhất việc có thể bị kiện trong các vụ tranh chấp thương mại, các DN XK thép trong nước cần phải tìm hiểu kỹ, nắm rõ luật lệ và quy định của các nước sở tại để có thể đẩy mạnh XK. Đồng thời, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, XK về các loại rào cản của các nước nhập khẩu nhằm đẩy mạnh hoạt động XK, cải thiện chất lượng hàng hóa, tránh rủi ro cho DN khi thực hiện các hợp đồng XK… Bộ Công thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam ở các nước tiếp tục làm cầu nối giữa DN thép "nội" và DN "ngoại", cung cấp và tư vấn cho DN "nội" thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, đẩy nhanh sự hợp tác, giảm rủi ro trong giao dịch. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo, rà soát và quản lý chặt việc cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép. Đồng thời rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của các dự án không đủ điều kiện triển khai, tránh cấp phép tràn lan đã gây nên tình trạng dư thừa công suất hiện nay.
Trong bối cảnh khó khăn chung, ngành thép cũng giống như các ngành sản xuất khác cần phải cơ cấu lại trước khi quá muộn. Những DN thép không còn đủ sức cạnh tranh vì công nghệ lạc hậu, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng lớn, giá thành cao sẽ buộc phải dừng sản xuất hoặc bán lại cơ sở sản xuất cho các nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư đổi mới công nghệ, bảo đảm sản xuất có hiệu quả. Lâu nay, nhiều DN thường nhắm đến thị trường dự án, thị trường lớn nhưng không đạt được kỳ vọng, thì một số DN khác lại tiếp thị, hướng đến thị trường ngách, thị trường dân dụng và đã thành công, để mỗi nhà máy chạy 100% công suất thiết kế. Do vậy, DN nên có sự bù đắp thị trường lẫn nhau để tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh kinh tế ảm đạm hiện nay.
Theo satthep.net